Xử lý đối với trường hợp mang hành lý không được mang theo lên tàu hỏa
Xử lý đối với trường hợp mang hành lý không được mang theo lên tàu hỏa được quy định tại Điều 21 Thông tư 77/2015/TT-BGTVT Quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, theo đó:
Khi phát hiện hành lý mang theo người vào ga, lên tàu thuộc loại hành lý không được mang theo người thì xử lý như sau:
1. Phát hiện ở ga đi: doanh nghiệp từ chối vận chuyển.
2. Phát hiện khi đang vận chuyển thì giải quyết như sau:
a) Khi tàu đang chạy mà phát hiện có hành lý là hàng hóa nguy hiểm thuộc loại không được mang theo người thì phải từ chối tiếp tục vận chuyển và đưa ngay hành lý và hành khách mang hành lý đó xuống ga tàu đang đỗ hoặc ga gần nhất mà tàu sắp đến để xử lý tiếp;
b) Nếu hành lý là hàng không được mang theo người nhưng không phải là hàng nguy hiểm thì được phép vận chuyển tới ga đến và xử lý tiếp tại ga đến.
3. Trường hợp hành lý thuộc loại không được mang theo người vào ga, lên tàu thuộc loại hàng hóa nguy hiểm đe dọa đến an toàn chạy tàu thì ngoài việc xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, doanh nghiệp phải báo ngay cho các cơ quan chức năng biết để xử lý.
4. Khi có lệnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu giữ hành lý thì doanh nghiệp phải lập biên bản về sự việc và bàn giao cụ thể cho người đại diện cơ quan ra lệnh thu giữ.
5. Ngoài việc chịu các biện pháp xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hành khách vi phạm quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này còn phải:
a) Trả tiền phạt cước đối với toàn bộ số hành lý trên đoạn đường đã vận chuyển theo quy định của doanh nghiệp;
b) Bồi thường toàn bộ các thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra;
c) Thanh toán các khoản chi phí phát sinh (nếu có).
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý đối với trường hợp mang hành lý không được mang theo lên tàu hỏa. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 77/2015/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật