Nội dung thẩm định an toàn giao thông trong quá trình xây dựng là gì?
Nội dung thẩm định an toàn giao thông trong quá trình xây dựng được quy định tại Điều 59 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:
1. Xem xét những thay đổi so với giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình (nếu có) hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình về: hệ thống thoát nước, điều kiện địa chất, khí hậu thủy văn; ảnh hưởng cảnh quan môi trường của các công trình dịch vụ, đường qua khu dân cư và các khu vực khác, lối đi cho xe cứu hỏa, cứu thương; khả năng mở rộng công trình trong tương lai; hệ số an toàn giao thông, biểu đồ tốc độ xe chạy theo lý thuyết.
2. Các vấn đề cụ thể về đặc trưng hình học của bình đồ, trắc dọc, trắc ngang điển hình và sự thay đổi mặt cắt, bố trí chung, xử lý lề đường, hè đường; tập trung thẩm tra, thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn giao thông khi một số chỉ tiêu kỹ thuật thiết kế đường có châm chước về Rmin, Rlồi, Rlõm, thiết kế tầm nhìn, trắc dọc; các vị trí taluy âm, dương có chiều cao đắp hoặc đào lớn.
3. Các chi tiết định tuyến: đoạn quá độ, khả năng nhận biết, xử lý của lái xe, chi tiết thiết kế hình học, xử lý tại các vị trí cầu, cống.
4. Các nút giao cắt và các điểm đấu nối
a) Tầm nhìn khi xe ô tô đi vào nút và tầm nhìn tại nút giao, bố trí tổng thể của nút giao (nút giao liên thông và nút giao trực thông), các đường vào nút giao, khả năng quan sát của lái xe, chi tiết thiết kế hình học của nút giao, đảo giao thông, chiếu sáng;
b) Vị trí các điểm đấu nối, phân tích sự hợp lý hoặc bất hợp lý về các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn giao thông như: khoảng cách giữa các nút giao, vị trí đấu nối, quy mô kết cấu, các yếu tố kỹ thuật về bình đồ, trắc dọc, trắc ngang, độ dốc dọc và khoảng cách vuốt nối.
5. Đánh giá ảnh hưởng của các công trình ven đường, các công trình bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ, phương tiện thô sơ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
a) Đánh giá sự ảnh hưởng của các công trình đang vi phạm hành lang an toàn đường bộ theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ, thống kê đầy đủ các công trình nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ trước khi thi công và sau khi thi công (nghiên cứu phương án giải phóng mặt bằng);
b) Thẩm định sự ảnh hưởng của các dòng xe khi chạy trộn dòng, sự sút giảm của tốc độ thực tế so với thiết kế và sự mất an toàn giao thông khi cho chạy trộn dòng hỗn hợp.
6. Biển báo hiệu, sơn kẻ đường, đèn chiếu sáng và điều khiển giao thông: phát hiện sự bất hợp lý của hệ thống an toàn giao thông, đưa ra đề xuất cụ thể (điều chỉnh hoặc bổ sung) để hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông trước khi đưa công trình vào khai thác.
7. Các công trình khác: các công trình đặt gần sát với đường xe chạy có tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông như dải phân cách, rào chống va, tường hộ lan, gờ lượn sóng, các giải pháp an toàn mà tư vấn thiết kế đề xuất.
8. Chi tiết thiết kế cầu, hầm, cống: thẩm định sự hợp lý về vị trí bố trí công trình, độ dốc dọc đường hai đầu cầu, hầm, các đường nối ra, vào cầu và quy mô kết cấu công trình cầu, hầm, cống.
9. Công tác an toàn giao thông trong thi công bố trí thiết bị thi công, các hoạt động trong quá trình thi công, quản lý và Điều hành giao thông, các giải pháp cụ thể về an toàn giao thông (các phương án đường tránh, cầu tạm, dây chuyền thi công) đặc biệt lưu ý đối với các tuyến đường cải tạo, nâng cấp.
10. Các vấn đề về an toàn giao thông khác chưa được đề cập.
11. Báo cáo kết quả thẩm tra, thẩm định phải tổng hợp đánh giá những ảnh hưởng đến an toàn giao thông, từ đó kiến nghị tốc độ tối đa cho phép chạy xe khi hoàn thành dự án.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nội dung thẩm định an toàn giao thông trong quá trình xây dựng. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 50/2015/TT-BGTVT.
Trân trọng!