Cấp phép thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ bao gồm những nội dung gì?
Cấp phép thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ được quy định tại Điều 27 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ là Cục Quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải được giao quản lý tuyến quốc lộ.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép thi công xây dựng nút giao đấu nối vào quốc lộ:
a) Đơn đề nghị cấp phép thi công công trình theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Văn bản chấp thuận xây dựng hoặc chấp thuận thiết kế nút giao của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu);
c) Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công / (trong đó có biện pháp tổ chức thi công đảm bảo an toàn giao thông) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bản chính).
d) Số lượng bộ hồ sơ: 02 bộ.
3. Trình tự, cách thức thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.
4. Thời hạn giải quyết: trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
5. Nút giao phải được cơ quan cấp phép thi công nghiệm thu và chấp thuận đưa vào khai thác, sử dụng.
6. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình nút giao ảnh hưởng đến an toàn giao thông, bền vững kết cấu công trình đường bộ và phải nộp 01 bộ hồ sơ hoàn công để cơ quan cấp phép thi công lưu trữ và bổ sung, cập nhật nút giao vào hồ sơ quản lý tuyến đường.
7. Chủ sử dụng nút giao chịu trách nhiệm bảo trì nút giao; việc bảo dưỡng thường xuyên nút giao không phải đề nghị cấp phép thi công nhưng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn giao thông; khi sửa chữa định kỳ nút giao phải đề nghị cấp phép thi công theo quy định tại Điều này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về cấp phép thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 50/2015/TT-BGTVT.
Trân trọng!