Việc quản lý và sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung của đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp được pháp luật quy định như thế nào?

Việc quản lý và sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung của đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp được pháp luật quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên Hoàng Đình Đạt, là nhân viên UBND xã Hòa Xuân – Cư Jut - Dak Lak. Trong thời gian qua, nhờ đọc các thông tin trên báo chí, tôi thấy tình trạng sử dụng công quỹ không hợp lý đang diễn ra gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước. Bởi vậy, Chính phủ đã quyết định hình thành cơ chế mua sắm tập trung nhằm tránh tình trạng lãnh phí. Tôi có nghe được để thực hiện quy trình này, hằng năm các cơ quan Nhà nước lập văn bản đăng ký mua tập trung, sau đó mời thầu, và phương án mời thầu phải được phê duyệt. Có hai phương thức mua sắm tập trung đó là: mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung và mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp. Tôi chưa hiểu về phương thức quản lý tiền chi cho mua sắm tập trung và tôi muốn hỏi Ban biên tập Thư Ký Luật việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung của đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp được pháp luật quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. dathoang**@***

Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung của đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 30 Thông tư 35/2016/TT-BTC hướng dẫn việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành cụ thể như sau:

1. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung của đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp:

a) Đối với gói thầu thực hiện theo nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao: Trường hợp các Khoản thu không đủ để bù đắp các Khoản chi thì phần chênh lệch được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị mua sắm tập trung; trường hợp các Khoản thu lớn hơn các Khoản chi, đơn vị mua sắm tập trung được bổ sung số tiền chênh lệch vào kinh phí hoạt động của đơn vị để sử dụng theo quy định của pháp luật;

b) Đối với các gói thầu thực hiện theo hợp đồng cung cấp dịch vụ tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, đơn vị mua sắm tập trung quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật.

2. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung của đơn vị mua sắm tập trung kiêm nhiệm: Trường hợp các Khoản thu không đủ để bù đắp các Khoản chi thì phần chênh lệch được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị mua sắm tập trung; trường hợp các Khoản thu lớn hơn các Khoản chi, đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Trên đây là phần tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung của đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp. Để tìm hiểu rõ hơn, vui lòng xem thêm tại Thông tư 35/2016/TT-BTC.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào