Sử dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là gì?
Sử dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Điều 10 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:
1. Việc khai thác, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tuân theo Điều 26, Điều 28 của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này.
2. Trước khi mở rộng địa giới khu vực nội thành, nội thị có đường bộ đi qua, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phải xây dựng đường gom và các điểm đấu nối theo quy định tại Thông tư này đối với đoạn đường bộ sẽ nằm trong nội thành, nội thị.
3. Các đường từ nhà ở chỉ được đấu nối vào quốc lộ thông qua đường nhánh; các đường đã có từ trước phải được xóa bỏ và thay thế bằng đường gom theo quy hoạch các điểm đấu nối đã được phê duyệt.
4. Việc sử dụng hành lang an toàn ở nơi đường bộ, đường sắt chồng lấn phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan quản lý đường sắt có thẩm quyền.
5. Việc quảng cáo trong hành lang an toàn đường bộ chỉ được thực hiện tạm thời khi điều kiện địa hình bên ngoài hành lang an toàn đường bộ không thực hiện được.
6. Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với gầm cầu trên đường đô thị do địa phương quản lý; Bộ Giao thông vận tải quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sở Giao thông vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm về việc tổ chức sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời. Bãi đỗ xe tạm thời phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa cầu theo quy định.
7. Đối với các dự án thủy điện, thủy lợi có tuyến tránh ngập và các dự án khác có tuyến tránh:
a) Kinh phí xây dựng tuyến tránh do chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm.
b) Chủ đầu tư dự án ngay từ bước lập dự án về hướng tuyến, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan đối với quốc lộ phải có ý kiến thỏa thuận của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận đối với hệ thống đường địa phương.
8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này để quy định cụ thể việc sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về sử dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 50/2015/TT-BGTVT.
Trân trọng!