Bổ nhiệm các ngạch thanh tra theo thủ tục chuyển ngạch được quy định ra sao?
Bổ nhiệm các ngạch thanh tra theo thủ tục chuyển ngạch được quy định tại Điều 12 Nghị định 97/2011/NĐ-CP Quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra như sau:
1. Công chức đang công tác trong cơ quan thanh tra nhà nước, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Thanh tra và các điều 6, 7 và 8 của Nghị định này thì được xét chuyển ngạch để bổ nhiệm vào các ngạnh thanh tra, cụ thể như sau:
a) Trường hợp là chuyên viên hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên;
b) Trường hợp là chuyên viên chính hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính;
c) Trường hợp là chuyên viên cao cấp hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao cấp.
2. Việc xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra phải thông qua Hội đồng xét chuyển ngạch.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Hội đồng xét chuyển ngạch vào các ngạch thanh tra đối với công chức thuộc phạm vi quản lý.
Hội đồng xét chuyển ngạch có 05 thành viên, làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết để quyết định theo đa số. Thành phần Hội đồng gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng: Ở Trung ương là lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ; ở địa phương là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ hoặc Giám đốc Sở Nội vụ;
c) Ủy viên thường trực là Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy viên thường trực có trách nhiệm chuẩn bị các thủ tục hồ sơ, tài liệu, để báo cáo Hội đồng xét chuyển ngạch thanh tra;
d) Các ủy viên khác tùy theo yêu cầu, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cử đại diện lãnh đạo của cơ quan, đơn vị liên quan.
3. Hồ sơ đề nghị Hội đồng xét chuyển ngạch thanh tra gồm:
a) Văn bản nhận xét quá trình công tác của công chức và đề nghị của cơ quan quản lý trực tiếp công chức;
b) Bản khai kết quả công tác thanh tra; Bản sao các văn bằng, chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền chứng thực hoặc được cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng công chức xác nhận;
c) Sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C-BNV/2008 (Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06 tháng 10 năm 2008 của Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức) có xác nhận của cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng công chức.
4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên, ngạch thanh tra viên chính gồm:
a) Hồ sơ cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Biên bản họp Hội đồng xét chuyển ngạch;
c) Văn bản của Hội đồng xét chuyển ngạch đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên, ngạch thanh tra viên chính theo thẩm quyền.
5. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao cấp gồm:
a) Hồ sơ cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Biên bản họp Hội đồng xét chuyển ngạch;
c) Văn bản đề nghị bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao cấp của Hội đồng xét chuyển ngạch;
d) Công văn đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm theo thẩm quyền.
6. Thẩm quyền bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bổ nhiệm các ngạch thanh tra theo thủ tục chuyển ngạch. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 97/2011/NĐ-CP.
Trân trọng!