Phúc khảo bài thi học sinh giỏi quốc gia được quy định ra sao?

Phúc khảo bài thi học sinh giỏi quốc gia được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Minh Ngân, công tác tại Đà Nẵng. Vừa qua, tôi có đứa cháu thi học sinh giỏi quốc gia và điểm số không được như mong muốn. Nay tôi cần tìm hiểu về việc phúc khảo bài thi học sinh giỏi quốc gia để tiến hành cho cháu tôi. Vì vậy, cho tôi hỏi phúc khảo bài thi học sinh giỏi quốc gia được quy định ra sao? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (ngan***@gmail.com)  

Phúc khảo bài thi học sinh giỏi quốc gia được quy định tại Điều 32 Quy chế thi học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Thông tư 41/2012/TT-BGDĐT) như sau: 

1. Điều kiện phúc khảo

Thí sinh được quyền xin phúc khảo bài thi khi có nguyện vọng và phải nộp lệ phí phúc khảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Hồ sơ xin phúc khảo gồm:

a) Đơn xin phúc khảo bài thi của thí sinh;

b) Công văn đề nghị phúc khảo bài thi của Thủ trưởng đơn vị dự thi có thí sinh xin phúc khảo.

3. Địa điểm và thời hạn nhận hồ sơ xin phúc khảo: Hồ sơ xin phúc khảo phải được gửi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả thi. Quá thời hạn trên, hồ sơ xin phúc khảo không được chấp nhận.

4. Hội đồng phúc khảo

a) Hội đồng phúc khảo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập, trong các trường hợp sau:

- Có hồ sơ xin phúc khảo của thí sinh như quy định tại khoản 2 của Điều này;

- Ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia yêu cầu.

b) Giám khảo Hội đồng chấm thi của kỳ thi không được tham gia Hội đồng phúc khảo.

c) Hội đồng phúc khảo có nhiệm vụ chấm lại các bài thi xin phúc khảo và quyết định điểm của các bài thi đó.

d) Việc chấm phúc khảo được thực hiện theo quy trình chấm thi tại Điều 31 của Quy chế này.

đ) Trường hợp giữa điểm chấm phúc khảo và điểm đã chấm có sự chênh lệch từ 1,0 điểm trở lên, phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các giám khảo chấm phúc khảo với các giám khảo chấm thi đợt đầu và lập Biên bản đối thoại; căn cứ Biên bản đối thoại, Chủ tịch Hội đồng phúc khảo quyết định điểm chấm phúc khảo và chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình.

e) Điểm thi của thí sinh chỉ được thay đổi nếu điểm chấm phúc khảo chênh lệch với điểm chấm của Hội đồng chấm thi từ 1,0 điểm trở lên.

g) Chủ tịch Hội đồng phúc khảo có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo về kết quả chấm phúc khảo.

h) Kết quả phúc khảo được công bố chậm nhất sau 20 ngày, kể từ ngày hết hạn nhận hồ sơ phúc khảo.

4. Các khiếu nại, tố cáo khác về thi (ngoài điểm thi và hồ sơ thi) do Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc phúc khảo bài thi học sinh giỏi quốc gia. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT.

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Học sinh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào