Quy trình ra đề thi học sinh giỏi quốc gia được quy định như thế nào?

Quy trình ra đề thi học sinh giỏi quốc gia được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Trương Lam Tuyền, công tác tại Bình Dương. Tôi đang quan tâm đến vấn đề quy trình ra đề thi học sinh giỏi quốc gia, vì thế, cho tôi hỏi hiện nay quy trình ra đề thi học sinh giỏi quốc gia được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (duong***@gmail.com)  

Quy trình ra đề thi học sinh giỏi quốc gia được quy định tại Điều 22 Quy chế thi học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT như sau: 

1. Đề xuất đề thi:

a) Đề thi đề xuất do một số chuyên gia khoa học, chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên, giáo viên có uy tín khoa học và năng lực chuyên môn tốt ở các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Viện nghiên cứu, Hội chuyên ngành soạn thảo theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; danh sách người soạn thảo đề thi đề xuất phải được giữ bí mật tuyệt đối.

b) Đề thi đề xuất phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 20 của Quy chế này; do chính người đề xuất thực hiện niêm phong và gửi về địa chỉ được ghi trong công văn yêu cầu.

c) Đề thi đề xuất là căn cứ tham khảo quan trọng cho Hội đồng soạn thảo đề thi.

d) Đề thi đề xuất phải được giữ bí mật tuyệt đối và không được phép công bố dưới bất kỳ hình thức nào và vào bất kỳ thời gian nào.

2. Soạn thảo đề thi:

Mỗi Tổ ra đề thi có trách nhiệm tham khảo đề thi đề xuất, soạn thảo đề thi chính thức, đề thi dự bị và hướng dẫn chấm thi cho môn thi của mình, đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 20 của Quy chế này.

3. Phản biện đề thi:

a) Uỷ viên phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, đánh giá đề thi đã soạn thảo theo các yêu cầu quy định tại Điều 20 của Quy chế này và đề xuất phương án chỉnh, sửa đề thi nếu thấy cần thiết.

b) Ý kiến đánh giá của các uỷ viên phản biện đề thi đối với các đề thi đã được soạn thảo là một căn cứ giúp Chủ tịch Hội đồng soạn thảo đề thi quyết định ký duyệt đề thi.

4. Trực thi:

Tổ ra đề thi phải trực trong suốt thời gian thí sinh làm bài thi của môn mình phụ trách, để xử lý các vấn đề liên quan đến đề thi (nếu có).

5. Việc ra đề thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và đề thi nói đối với các môn Ngoại ngữ được tiến hành theo quy trình riêng, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quy trình ra đề thi học sinh giỏi quốc gia. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT.

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Học sinh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào