Làm gì khi bị hàng xóm xúc phạm?
Bạn và gia đình có quyền làm đơn tố cáo hành vi của bà hàng xóm gửi đến ủy ban xã, phường nơi cư trú hoặc cơ quan công an để đề nghị có biện pháp xử lý.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Việc xử lý hành chính với vi phạm này thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã, phường nơi người vi phạm cư trú.
Nếu hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mang tính chất nghiêm trọng thì tùy theo từng trường hợp, người vi phạm có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự hoặc tội Vu khống quy định tại Điều 122.
Việc đánh giá mức độ của hành vi xúc phạm có nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, uy tín của người bị hại trong gia đình, tổ chức hoặc trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi xúc phạm đó.
Ngoài ra, nếu hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của bà hàng xóm gây ra thiệt hại, gia đình bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 604, 605 Bộ luật dân sự. Nếu không thỏa thuận được về vấn đề bồi thường thiệt hại, gia đình có quyền khởi kiện bà hàng xóm ra tòa án cấp huyện nơi bạn cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm.
Theo quy định tại Điều 611, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Một khoản tiền bù đắp về tổn thất tinh thần mà mẹ bạn phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định.
Thư Viện Pháp Luật