Học sinh quậy ở lớp, nhà trường hay cha mẹ phải bồi thường thiệt hại?
Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”.
Bên cạnh đó, Điều 599 Bộ luật Dân sự quy định:
“1. Người chưa đủ 15 tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường”.
Theo đó, về trách nhiệm bồi thường trong dân sự, người dưới 15 tuổi gây thiệt hại thì cha, mẹ phải bồi thường thiệt hại. Nếu học sinh gây thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý, trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
Người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại, phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không có hoặc không đủ thì cha, mẹ phải bồi thường.
Về trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 1999, người dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm.
Như vậy, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật mà trẻ em có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự hoặc không phải chịu trách nhiệm theo các quy định pháp luật nêu trên. Pháp luật quy định việc xử lý trẻ em phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, răn đe, giúp các em có cơ hội sửa chữa sai lầm. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với trẻ em thì toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự như giáo dục tại xã, phường hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.