Việc xử lý tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù được tiến hành ra sao?

Việc xử lý tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù được thực hiện như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Thúy, sinh viên trường Đại học Huế. Tôi đang có một bài tiểu luận liên quan đến chủ đề xử lý tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù tại cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, cho tôi hỏi việc xử lý tài sản tạm giữ trong trường hợp nêu trên được tiến hành ra sao? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (vy***@gmail.com)

Vấn đề xử lý tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù được quy định tại Điều 13 Thông tư 01/2017/TT-BTP về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự như sau:

1. Đối với vật chứng là chất độc, hóa chất nguy hiểm, ma túy (số lượng lớn) hoặc các loại vật chứng đặc thù khác phải tiêu hủy, nếu xét thấy việc tiêu hủy có thể dẫn đến mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường, cơ quan thi hành án dân sự phải lập kế hoạch (bao gồm cả kinh phí xử lý), phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tiến hành thuê tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Trường hợp có nhiều tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì có thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn.

2. Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng từ 01 năm trở lên, chưa xử lý (trừ trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ đang phải bảo quản theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền), cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan chức năng để xác định tình trạng, lập danh sách vật chứng, tài sản tạm giữ còn tồn đọng, chưa xử lý và tiến hành xử lý như sau:

a) Đối với các vật chứng, tài sản tạm giữ mà vụ án bị đình chỉ thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị cơ quan đã ra quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ để tiến hành xử lý theo quy định.

b) Đối với các vật chứng, tài sản tạm giữ mà Tòa án chưa chuyển giao bản án, quyết định; Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra chưa chuyển giao tài liệu liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị các cơ quan có liên quan nêu trên chuyển giao để tiến hành xử lý theo quy định.

c) Đối với trường hợp không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ hoặc không có tài liệu liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ thì tổ chức họp liên ngành với các cơ quan có liên quan ở địa phương (Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tài chính) thống nhất phương án, biện pháp xử lý.

Trường hợp không thống nhất được phương án, biện pháp xử lý thì báo cáo cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự để được chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 01/2017/TT-BTP.

Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào