Đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi như thế nào?
Đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi được quy định tại Điều 26 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em như sau:
1. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp có trách nhiệm phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; chuyển ngay thông tin đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc để thực hiện việc đánh giá nguy cơ ban đầu về mức độ tổn hại của trẻ em.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc chỉ đạo người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tiến hành việc đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại của trẻ em theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để có cơ sở áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp.
3. Trường hợp trẻ em được xác định có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì trong vòng 12 giờ từ khi nhận thông tin, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc người gây tổn hại cho trẻ em quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Nghị định này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!