Tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại như thế nào?
Tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại được quy định tại Điều 25 Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em như sau:
1. Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc (sau đây gọi là nơi tiếp nhận thông tin). Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp, cơ quan công an các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú để thực hiện việc kiểm tra tính xác thực về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em khi được yêu cầu.
3. Trường hợp tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!