Cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước?
Vấn đề cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 15 Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động khoa học và công nghệ cụ thể như sau:
1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:
a) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sản phẩm cuối cùng đã xác định được rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng; được hội đồng khoa học và công nghệ tuyển chọn, xét giao trực tiếp xác định đáp ứng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; được chủ nhiệm nhiệm vụ và cơ quan chủ trì chấp nhận;
b) Dự toán của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định hiện hành; trường hợp chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quyết định và chịu trách nhiệm;
c) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí.
2. Quy trình và thủ tục khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước gồm các bước sau:
a) Thủ trưởng tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có cam kết bằng vănbản chấp nhận phương thức khoán chi;
b) Tổ chức, cá nhân được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thuyết minh và dự toán kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có quy định nhiệm vụ khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tổ chức, cá nhân được giao chủ trì; việc ký hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Khoa học và công nghệ;
d) Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cấp tương ứng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp kinh phí thực hiện theo yêu cầu của tổ chức chủ trì, phù hợp với nội dung, mục tiêu, yêu cầu và tiến độ của hợp đồng khoa học và công nghệ;
đ) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được coi là hoàn thành sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ có văn bản xác nhận kết quả nghiệm thu từ mức đạt yêu cầu trở lên;
e) Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thanh lý sau khi có văn bản xác nhận kết quả của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ và chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
3. Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng bị dừng thực hiện hoặc đánh giá không đạt yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra, xác định nguyên nhân dẫn đến việc dừng thực hiện hoặc đánh giá không đạt yêu cầu, ra quyết định xử lý.
a) Người trực tiếp phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí nguồn lực và ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất, lãng phí đối với nguồn lực và ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm:
Nộp hoàn trả ngân sách nhà nước toàn bộ kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được cấp nhưng chưa sử dụng.
Trường hợp do nguyên nhân khách quan thì không phải hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước đã sử dụng.
Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì tổng mức hoàn trả tối thiểu 40% kinh phí ngân sách nhà nước đã sử dụng.
4. Việc quyết toán kinh phí được thực hiện sau khi nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hoàn thành và các bên tiến hành thanh lý hợp đồng khoa học và công nghệ, theo phương thức quyết toán toàn bộ.
Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện trong nhiều năm, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm có trách nhiệm tổng hợp báo cáo theo niên độ ngân sách đối với số kinh phí thực nhận và thực chi.
Ngoài ra, quy định về cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước còn được hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC
Trên đây là phần tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về vấn đề cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước . Để tìm hiểu rõ hơn, vui lòng xem thêm tại Luật Khoa học và công nghệ Nghị định 95/2014/NĐ-CP
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật