Nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, cơ quan trung ương đối với việc lập kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm

Các bộ, cơ quan trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn gì đối với việc lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật! Em là sinh viên trường Đại học ngoại thương. Em đang làm đề tài tiểu luận về lĩnh vực ngân sách nhà nước, trọng tâm là việc lập và thực hiện các kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước. Em muốn hỏi ngoài Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là những cơ quan có vai trò chủ chốt đối với việc lập kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm thì các bộ khác và cơ quan trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp em. Xin chân thành cảm ơn! Hoài Nhân (nhanbui***@gmail.com)

Nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan trung ương đối với việc lập kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm được quy định tại Khoản 4 Điều 17 Nghị định 45/2017/NĐ-CP quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm bao gồm:

a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu thuộc ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong giai đoạn 03 năm kế hoạch để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia;

b) Lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm của bộ, cơ quan trung ương; chi tiết theo chi đầu tư, chi thường xuyên và từng lĩnh vực chi, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tổng hợp vào kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia trình Chính phủ.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Hướng dẫn việc lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Phê duyệt khung cân đối ngân sách địa phương; những định hướng lớn về bố trí cơ cấu thu, chi, cân đối ngân sách địa phương; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ ngân sách địa phương; ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước theo từng lĩnh vực, chương trình, dự án, nhiệm vụ chi lớn của địa phương;

c) Chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Cục Hải quan và các cơ quan có liên quan khác ở địa phương lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng dẫn tại điểm a khoản 5 Điều này, báo cáo các cấp có thẩm quyền của địa phương cho ý kiến trước khi gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; xây dựng, thông báo trần chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và mức trần số bổ sung cân đối và số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho ngân sách cấp dưới;

d) Hoàn chỉnh kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp để tham khảo khi thảo luận, xem xét, thông qua dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách địa phương hằng năm.

Trên đây là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan trung ương đối với việc lập kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 45/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào