Việc tổ chức cho phạm nhân nhận và sử dụng tiền mặt được quy định như thế nào?
Tổ chức cho phạm nhân nhận và sử dụng tiền mặt được quy định tại Điều 12 Thông tư 46/2011/TT-BCA quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân do Bộ Công an ban hành như sau:
1. Khi gặp thân nhân, phạm nhân được nhận tiền mặt. Ngoài ra, mỗi tháng 02 lần, phạm nhân được nhận tiền mặt do thân nhân gửi đến. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và hướng dẫn sử dụng theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân không được sử dụng các giấy tờ có giá, ngoại tệ và trực tiếp sử dụng tiền mặt. Phạm nhân có tiền mặt được sử dụng để mua lương thực, thực phẩm và hàng hóa để phục vụ đời sống, sinh hoạt, gửi điện tín, liên lạc điện thoại bằng hình thức lưu ký và ký sổ do trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ quản lý. Nghiêm cấm phạm nhân cất giữ, trực tiếp sử dụng tiền mặt trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hướng dẫn chi tiết việc ký sổ mua hàng hóa, gửi điện tín, liên lạc điện thoại của phạm nhân.
2. Thân nhân đến thăm gặp cho phạm nhân tiền mặt, cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp có trách nhiệm nhận và ký nhận vào Sổ thăm gặp (nếu chưa có Sổ thăm gặp thì phải ghi giấy biên nhận cho người gửi tiền). Thân nhân phạm nhân gửi tiền mặt cho phạm nhân qua đường bưu điện thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cử cán bộ đến bưu điện nhận tiền, sau đó bàn giao số tiền này cho cán bộ phụ trách lưu ký vào Sổ theo dõi, quản lý, đồng thời thông báo cho phạm nhân được nhận tiền biết và ghi số tiền này vào Sổ mua hàng hóa của phạm nhân.
3. Tiền thưởng, tiền bồi dưỡng làm thêm giờ, tăng năng suất lao động được chuyển vào lưu ký để phạm nhân sử dụng mua hàng hóa tại căng tin, gửi điện tín, liên lạc điện thoại với thân nhân, gửi về cho thân nhân hoặc nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù.
4. Mỗi tháng, một phạm nhân được mua lương thực, thực phẩm không quá 3 lần định lượng ăn trung bình hàng tháng theo quy định của Nhà nước (định lượng này được quy ra tiền). Tiền mua các loại hàng hóa khác như thuốc chữa bệnh, kem đánh răng, xà phòng, áo, quần… không tính vào số lượng tiền mua lương thực, thực phẩm ăn thêm của phạm nhân.
5. Phạm nhân có tiền mặt, đồ vật gửi lưu ký khi chuyển đến trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ khác, cán bộ có trách nhiệm phải thực hiện việc chuyển giao số tiền, đồ vật này cho nơi tiếp nhận phạm nhân. Việc giao nhận phải lập biên bản, có chữ ký của bên giao, bên nhận và phạm nhân.
6. Trường hợp phạm nhân chết, phải ghi rõ vào biên bản phạm nhân chết số tiền lưu ký còn lại chưa sử dụng, đồ vật gửi lưu ký và những tài sản cá nhân khác để bàn giao cho thân nhân họ hoặc đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc tổ chức cho phạm nhân nhận và sử dụng tiền mặt. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 46/2011/TT-BCA.
Trân trọng!