Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật như thế nào?

Gia đình tôi phải thi hành bản án của toà án thành phố HCM. Theo quy định pháp luật nếu gia đình chúng tôi không tự nguyện thi hành án sẽ bị cưỡng chế. Do đó gia đình tôi đã tự nguyện thi hành án và được hỗ trợ khi tự nguyện thi hành án một số tiền. Sau khi giao tài  sản và phát mãi ngôi nhà gia đình chúng tôi nhận được 1 phần trong tài  sản đó. Tuy nhiên, hiện nay gia đình tôi vẫn đang chờ kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án đã được thi hành xong.  Hỏi: Tôi muốn biết nếu kết quả giám đốc thẩm xét xử trả lại công bằng, tài sản đó thuộc sở hữu của tôi thì trường hợp này pháp luật quy định thi hành án như thế nào? Việc tôi đã nhận một số tiền khi thi hành bản án nêu trên có ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi theo bản án giám đốc thẩm không?

Trường hợp bạn hỏi chúng tôi không có hồ sơ thi hành án; không rõ nội dung vụ việc nên chúng tôi trả lời bạn như sau:
Khoản 3 Điều 136 Luật thi hành án dân sự quy định: Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 135 của Luật này, cụ thể:
Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án hủy, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới mà đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi lại quyền tài sản.
Trường hợp tài sản thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì cưỡng chế trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu.
Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì chủ sở hữu tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản.
Trường hợp có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị hủy, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp của bạn việc thi hành án đã xong. Do đó, nếu quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án, xác định tài  sản  đã bán để thi hành án  thuộc  sở  hữu  của bạn thì bạn không được lấy lại tài sản nhưng được bồi hoàn giá trị của tài sản.
Nếu bạn có yêu cầu về bồi thường thiệt hại thì cơ quan ra bản án, quyết định bị hủy, sửa giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc bạn đã nhận một số tiền khi thi hành bản án bị hủy bạn cần cung cấp thông tin, tài liệu này cho Tòa án trước khi Tòa xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, để Tòa án giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào