Xin giấy phép vận chuyển hóa chất ăn mòn?
Vấn đề Giấy phép vận chuyển hóa chất được Ban biên tập Thư Ký Luật tư vấn như sau:
Việc vận chuyển hóa chất được bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ quy định tại Nghị định 104/2009/NĐ-CP.
Đối với việc vận tải hóa chất là NaOH và H2SO4 và HCl thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 09/2016/TT-BKHCN, vì đây là nhóm chất ăn mòn thuộc nhóm 8 theo Danh mục Hàng nguy hiểm tại Phụ lục I, ban hành kèm theo Nghị định 104/2009/NĐ-CP.
Việc xin Giấy phép vận chuyển đối với hóa chất trên quy định cụ thể tại Điều 18 Nghị định 104/2009/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể tại Chương II, Thông tư 09/2016/NĐ-CP
Điều 18. Thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm
1. Bộ Công an cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm loại 5, loại 7, loại 8 quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
3. Bộ Y tế cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm đối với các hóa chất độc dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất bảo vệ thực vật.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng nguy hiểm.
6. Các Bộ có thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm nêu tại các khoản: 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.
Điều 4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và các hình thức nộp hồ sơ
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm (theo Mẫu 1.ĐĐK quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này);
b) Giấy chứng nhận tổ chức, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh hàng nguy hiểm hoặc được phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành;
c) Bảng kê khai các thông tin về hàng nguy hiểm (theo Mẫu 2. DMHNH- LT-PT-NĐKAT quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này);
d) Giấy phép Điều khiển phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực của người Điều khiển phương tiện vận chuyển phù hợp với loại phương tiện dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm;
đ) Giấy đăng ký phương tiện vận chuyển, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan Bảo hiểm cấp cho chủ phương tiện.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có hàng nguy hiểm cần vận chuyển phải thuê phương tiện vận chuyển, tổ chức, cá nhân phải nộp kèm theo bản sao hợp đồng thương mại hoặc bản sao văn bản thỏa thuận về việc vận chuyển hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận (nếu có) của các bên ký hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận, trong đó nêu chi Tiết các thông tin về phương tiện vận chuyển (loại phương tiện vận chuyển, biển kiểm soát, trọng tải);
e) Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh lao động còn thời hạn hiệu lực của những người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm được cấp theo quy định tại Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động;
g) Giấy chứng nhận đã tham gia, hoàn thành khóa đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất còn thời hạn hiệu lực do Sở Công Thương cấp cho người Điều khiển phương tiện vận chuyển, người áp tải và người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm;
h) Phiếu an toàn hóa chất của hàng nguy hiểm cần vận chuyển bằng tiếng Việt của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng nguy hiểm theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật Hóa chất, kèm theo bản sao bằng ngôn ngữ nguyên gốc của doanh nghiệp sản xuất hàng nguy hiểm (nếu có). Nội dung Phiếu an toàn hóa chất theo quy định tại Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương;
i) Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm, kết quả kiểm định đối với vật liệu bao gói, phương tiện chứa hàng nguy hiểm theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 44/2012/TT- BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương, quy định danh Mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
k) Phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng nguy hiểm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 44/2012/TT-BCT đối với hàng hóa bắt buộc phải lập phương án ứng cứu khẩn cấp theo quy định;
l) Phương án làm sạch thiết bị và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận chuyển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường theo Mẫu 3. PALSTB quy định tại Phụ lục Thông tư này.
Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm có sử dụng nhiều người Điều khiển phương tiện vận chuyển hoặc sử dụng nhiều phương tiện để vận chuyển hàng nguy hiểm hoặc sử dụng nhiều người áp tải hoặc nhiều loại hàng nguy hiểm thì trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, tổ chức, cá nhân cần cung cấp đầy đủ các tài liệu theo quy định tại các Điểm d, đ, e, g, h, i, k Khoản 1 Điều này tương ứng đối với từng trường hợp tăng thêm (đối với hàng hóa bắt buộc phải lập phương án ứng cứu khẩn cấp theo quy định).
2. Hình thức nộp hồ sơ:
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa lập 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở hoặc qua Cổng thông tin điện tử của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký doanh nghiệp, cụ thể:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các tài liệu quy định tại Khoản 1 Điều này chưa được chứng thực từ bản chính, tổ chức, cá nhân phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
b) Trường hợp hồ sơ được gửi qua bưu điện, các tài liệu quy định tại Khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân phải nộp bản sao đã được chứng thực từ bản chính.
c) Trường hợp nộp hồ sơ qua cổng thông tin điện tử của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thực hiện theo văn bản hướng dẫn về giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến tại địa phương.
Điều 5. Trình tự thực hiện cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm
1. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của tổ chức, cá nhân, cụ thể:
a) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc hồ sơ đầy đủ nhưng nội dung chưa hợp lệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông báo bằng thư điện tử (email) hoặc bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị bổ sung hồ sơ theo quy định.
Sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày có thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ nhưng không nhận được văn bản giải trình lý do không bổ sung được hồ sơ theo quy định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có văn bản thông báo từ chối cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và nêu rõ lý do. Trường hợp sau khi bị từ chối cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, nếu tổ chức, cá nhân vẫn có nhu cầu vận chuyển hàng nguy hiểm, tổ chức, cá nhân lập 01 (một) bộ hồ sơ mới theo quy định tại Điều 4 Thông tư này;
b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân theo Mẫu 4. GPVC quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này;
c) Trường hợp hồ sơ đề nghị vận chuyển hàng nguy hiểm có số lượng lớn hơn mức quy định tại cột 7 Phụ lục 1 về ngưỡng khối lượng cần xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp ban hành kèm theo Thông tư số 44/2012/TT-BCT, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần tổ chức thẩm định thực tế tại trụ sở hoặc kho, bãi tập kết hàng của tổ chức, cá nhân và phải thông báo bằng thư điện tử (email) hoặc văn bản cho tổ chức, cá nhân biết. Trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày thông báo cho tổ chức, cá nhân, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phải tổ chức thực hiện thẩm định thực tế. Việc thẩm định thực tế được thực hiện như sau:
- Việc thẩm định thực tế được sử dụng chuyên gia và thành lập Tổ thẩm định để thực hiện. Tổ thẩm định do Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ra quyết định thành lập;
- Sau khi kết thúc thẩm định thực tế, Tổ thẩm định phải lập Biên bản thẩm định thực tế, trong đó phải kết luận rõ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm phù hợp hoặc không phù hợp với quy định và kiến nghị cấp hoặc không cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân hoặc nêu rõ các nội dung yêu cầu tổ chức, cá nhân phải khắc phục (nếu hồ sơ có Điểm chưa phù hợp). Biên bản thẩm định thực tế được lập thành 02 (hai) bản và được các thành viên Tổ thẩm định và đại diện pháp lý của tổ chức, cá nhân ký tên xác nhận và mỗi bên giữ 01 (một) bản có giá trị pháp lý như nhau. Trường hợp, tổ chức, cá nhân không ký Biên bản thẩm định thực tế, Tổ thẩm định ghi rõ trong Biên bản thẩm định thực tế “đại diện ... (tên tổ chức, cá nhân) không kí Biên bản thẩm định thực tế” và Biên bản này vẫn có giá trị pháp lý khi có chữ ký của các thành viên Tổ thẩm định;
- Trường hợp tổ chức, cá nhân không phải thực hiện hành động khắc phục để hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm thì trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày có Biên bản thẩm định thực tế, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân theo Mẫu 4. GPVC quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này;
- Trường hợp tổ chức, cá nhân phải thực hiện hành động khắc phục để hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm thì thời hạn khắc phục tối đa không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày có Biên bản thẩm định thực tế.
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận được báo cáo bằng văn bản của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm với nội dung đã hoàn thành hành động khắc phục, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thẩm định bổ sung kết quả hành động khắc phục. Việc thẩm định bổ sung do Tổ thẩm định thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản này. Kết quả thẩm định bổ sung phải được lập thành Biên bản và ghi rõ là “Biên bản thẩm định bổ sung”. Nội dung Biên bản thẩm định bổ sung nêu rõ kết luận đạt yêu cầu hoặc không đạt yêu cầu và kiến nghị cấp hay không cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân.
Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định bổ sung, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân theo Mẫu 4. GPVC quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm thì văn bản từ chối phải nêu rõ lý do.
Trên đây là phần tư vấn của Ban biên tập thư ký luật, để tìm hiểu rõ hơn, vui lòng xem thêm tại Nghị định 104/2009/NĐ-CP và Thông tư 09/2016/TT-BKHCN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật