Quy trình thẩm định hồ sơ của UBND cấp tỉnh khi vay lại nguồn vốn vay từ nước ngoài của Chính phủ gồm những giai đoạn nào?

UBND cấp tỉnh vay lại nguồn vốn vay từ nước ngoài của Chính phủ phải trải qua quy trình thẩm định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Cho tôi hỏi quy trình thẩm định hồ sơ của UBND cấp tỉnh khi vay lại nguồn vốn vay từ nước ngoài của Chính phủ bao gồm những giai đoạn nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi xin chân thành cảm ơn! Thanh Lâm (lamthanh***@gmail.com)

Quy trình thẩm định hồ sơ vay vốn của UBND cấp tỉnh đối với nguồn vốn vay từ nước ngoài được quy định tại Điều 8 Nghị định 52/2017/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm các giai đoạn sau:

1. Khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án từ nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính hồ sơ nêu tại Điều 9 Nghị định này để thẩm định khả năng trả nợ của ngân sách địa phương.

Đối với chương trình, dự án do một cơ quan trung ương đề xuất có từ hai tỉnh trở lên tham gia, các địa phương tham gia có trách nhiệm gửi cơ quan đề xuất chương trình, dự án bộ hồ sơ nêu tại Điều 9 Nghị định này để tập hợp gửi Bộ Tài chính.

2. Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính thẩm định khả năng trả nợ của ngân sách địa phương theo điều kiện được vay lại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 4 Nghị định này, đồng thời góp ý kiến với đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Bộ Tài chính thông báo kết quả thẩm định cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án và cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ý kiến của Bộ Tài chính đồng gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi cho dự án theo cơ chế cho vay lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

4. Trường hợp mức vốn vay lại từ nguồn vay ODA, vay ưu đãi vượt so với mức vốn vay lại đã được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc có thay đổi về việc đáp ứng điều kiện được vay lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ để Bộ Tài chính thẩm định lại, nhưng không muộn hơn 30 ngày trước thời điểm đàm phán khoản vay với bên nước ngoài.

Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính thẩm định lại hồ sơ.

a) Trường hợp sau thẩm định lại xác định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đủ điều kiện được vay lại, đối với khoản vay nước ngoài nhân danh Nhà nước phải được trình Chính phủ để báo cáo Chủ tịch nước xin chủ trương và ủy quyền đàm phán, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ hoặc gửi ý kiến cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đối với khoản vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất đàm phán) để tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương đàm phán. Ý kiến của Bộ Tài chính đồng gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

b) Trường hợp sau thẩm định lại xác định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đủ điều kiện được vay lại, đối với khoản vay nước ngoài nhân danh Chính phủ do Bộ Tài chính chủ trì đàm phán, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đàm phán với bên cho vay nước ngoài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc ký kết thỏa thuận vay và việc cho vay lại đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Trường hợp sau thẩm định lại xác định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đủ điều kiện được vay lại đối với phần vốn vay tăng thêm hoặc không đáp ứng các điều kiện vay lại khác như quy định tại Điều 4 Nghị định này, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Trường hợp chưa nhận đủ hồ sơ theo quy định, trong vòng 5 ngày Bộ Tài chính có văn bản thông báo về việc bổ sung hồ sơ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung hồ sơ trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Bộ Tài chính.

Trên đây là quy định về quy trình thẩm định hồ sơ của UBND cấp tỉnh khi vay lại nguồn vốn vay từ nước ngoài của Chính phủ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 52/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chính phủ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào