Địa phương tôi bố trí vốn cho các công trình hạ tầng giao thông để xây dựng xã điểm nông thôn mới, trong đó có 3 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và 3 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh hỗ trợ. Tôi xin hỏi, hai nguồn vốn trên là vốn ngân sách Nhà nước hay vốn Nhà nước ngoài ngân sách? Với 2 nguồn vốn này thì Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã (được giao làm chủ đầu tư) có được quyền thuê đơn vị tư vấn để thực hiện việc quản lý dự án không hay bắt buộc phải ký hợp đồng với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của cấp huyện? UBND cấp xã là người quyết định đầu tư có văn bản giao cho Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã làm chủ đầu tư có được phép tự thực hiện quản lý dự án hoặc thuê các đơn vị tư vấn có năng lực để làm nhiệm vụ tư vấn quản lý dự án không? Trong quá trình thực hiện các dự án, đơn vị của tôi gặp vướng mắc, khi gửi hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán để Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thẩm tra thì đơn vị tôi được yêu cầu, đơn vị phải thẩm tra trước khi trình vì Phòng hiện chưa đủ năng lực để thực hiện theo công việc này. Sau khi Hồ sơ được thẩm tra, đơn vị tôi mới gửi đến Phòng Kinh tế và Hạ tầng để thẩm định. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định Phòng lại điều chỉnh một số mã hiệu định mức công tác xây dựng và điều chỉnh lại một số chi tiết của bản vẽ thiết kế (việc điều chỉnh này không thông báo cho chủ đầu tư cũng như đơn vị tư vấn thẩm tra) dẫn đến kết quả thẩm định khác so với hồ sơ đã thẩm tra. Xin hỏi, Phòng Kinh tế và Hạ tầng tự điều chỉnh một số mã hiệu định mức công tác xây dựng và điều chỉnh lại một số chi tiết của bản vẽ thiết kế sau khi đã thẩm tra thì có đúng quy định không? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu việc điều chỉnh này không phù hợp với thực tế?
Để xác định các nguồn vốn mà ông hỏi, ông có thể nghiên cứu quy định tại Khoản 44 Điều 4 Luật Đấu thầu và Khoản 14 Điều 2 Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đối với vốn ngân sách Nhà nước thì được xác định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Để lựa chọn hình thức quản lý dự án phù hợp, đề nghị ông nghiên cứu quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 59/2015/NĐ-CP nêu trên và Điều 4 Thông tư 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng.
Đối với việc thẩm tra phục vụ công tác thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình, ông Châu có thể căn cứ các quy định tại Điều 10 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng.
Trường hợp chủ đầu tư không chấp thuận kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng thì có thể có văn bản kiến nghị và giải trình xem xét lại, nếu hai bên vẫn chưa thống nhất thì có thể kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết.