Thẩm quyền của cơ quan tố tụng Việt Nam trong việc dẫn độ tội phạm được quy định ra sao?
Vấn đề thẩm quyền của cơ quan tố tụng Việt Nam liên quan đến việc dẫn độ tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007 như sau:
…
Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể:
a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án;
b) Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.
Như vậy, căn cứ quy định nói trên đối chiếu với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh thì cơ quan tố tụng của Việt Nam hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, trong trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn đến quốc gia chưa ký kết hiệp định, điều ước quốc tế về vấn đề dẫn độ tội phạm với Việt Nam thì mặc dù cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam được quyền yêu cầu quốc gia sở tại dẫn độ tội phạm nhưng quốc gia sở tại có quyền từ chối yêu cầu đó. Kết quả có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai Chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thẩm quyền của cơ quan tố tụng Việt Nam liên quan đến việc dẫn độ tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật tương trợ tư pháp 2007.