Từ chối dẫn độ tội phạm được quy định như thế nào?

Trường hợp nào Việt Nam được từ chối dẫn độ tội phạm? Chào Ban biên tập Thư Ký Luật? Tôi là nhân viên văn phòng, sống tại Tp.HCM. Cách đây khá lâu, tôi có đọc một bài báo nói về việc một nữ tiếp viên hành không của Việt Nam bị bắt ở Nhật về hành vi trộm cắp tài sản. Cho tôi hỏi, nếu như cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản đề nghị Việt Nam dẫn độ người này để phục vụ điều tra, xét xử thì Việt Nam có được quyền từ chối dẫn độ hay không? Rất mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn. (hoalaw***@gmail.com)  

Việc từ chối dẫn độ tội phạm được quy định tại Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp 2007 như sau:
1. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;
b) Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;
c) Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam;
d) Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;
đ) Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.
2. Ngoài những trường hợp từ chối dẫn độ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam;
b) Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.
Như vậy, đối chiếu với trường hợp mà bạn nêu ra vì người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam nên căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 35 thì Việt Nam có quyền từ chối dẫn độ tội phạm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc từ chối dẫn độ tội phạm. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Tương trợ tư pháp 2007.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội phạm

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào