Quyền cơ bản của đại biểu Quốc hội

Bạn đọc Thanh Hương (Tiên Lãng – Hải Phòng) hỏi về quyền cơ bản của đại biểu Quốc hội. Nội dung câu hỏi: Xin cho tôi biết đại biểu Quốc hội có những quyền cơ bản nào?

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định. ĐBQH được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật.

ĐBQH có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ  ban của Quốc hội.

ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên  khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

ĐBQH có quyền kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban Lâm thời của Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị về những vấn đề khác mà ĐBQH thấy cần thiết.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, ĐBQH có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân  cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

ĐBQH có quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp nơi mình được bầu, có quyền tham gia ý kiến  vào các vấn đề quản lý nhà nước, vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân và các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đại biểu Quốc hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào