Nguyên tắc áp dụng trong cơ chế liên thông được quy định như thế nào?

Nguyên tắc áp dụng trong cơ chế liên thông được quy định ra sao? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Chúng tôi (Doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ) đang chuẩn bị thành lập Công ty tại Việt Nam, chúng tôi muốn hỏi cơ chế liên thông áp dụng trong truờng hợp chúng tôi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký đầu tư sẽ tuân thủ những nguyên tắc gì theo pháp luật Việt Nam? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật.Hữu Toàn (toan***@gmail.com)

Nguyên tắc áp dụng cơ chế liên thông được quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài như sau:
1. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế liên thông theo quy định tại Thông tư này hoặc thực hiện từng thủ tục theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Nhà đầu tư tự kê khai hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, số lượng bộ hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp.
3. Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh phối hợp, trao đổi thông tin và chỉ yêu cầu nhà đầu tư nộp một bản trong trường hợp hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có sự trùng lặp giấy tờ, bao gồm:
a) Hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân có giá trị pháp lý tương đương đối với trường hợp nhà đầu tư là cá nhân;
b) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương đối với trường hợp nhà đầu tư là tổ chức;
c) Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp này, Cơ quan đăng ký đầu tư lưu giữ bản do nhà đầu tư nộp và có trách nhiệm gửi bản sao giấy tờ nêu trên cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Bản sao do Cơ quan đăng ký đầu tư cung cấp được xem là bản sao hợp lệ theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.
4. Cơ quan đăng ký đầu tư, Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính toàn vẹn của hồ sơ, tài liệu trong quá trình bàn giao hồ sơ và có trách nhiệm phối hợp xác nhận việc giao nhận hồ sơ, tài liệu trong cơ chế liên thông.
5. Cơ quan đăng ký đầu tư, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp, chia sẻ thông tin và chịu trách nhiệm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Cơ quan đăng ký đầu tư ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đối với mỗi lần doanh nghiệp nộp hồ sơ trong một Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.
6. Việc chống tên trùng và tên gây nhầm lẫn đối với tên của doanh nghiệp dự kiến thành lập được xác lập kể từ thời điểm Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho Cơ quan đăng ký đầu tư về việc hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ.
7. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP được xác định kể từ thời điểm Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nguyên tắc áp dụng trong cơ chế liên thông. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT.
Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào