Quy định về thưởng Tết
Theo Điều 103 Bộ luật lao động năm 2012, tiền thưởng là "khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở".
Pháp luật không có quy định riêng biệt cụ thể nhưng thưởng Tết cũng là một dạng của tiền thưởng, chính vì vậy sẽ căn cứ quy định về tiền thưởng.
Theo Điều 103, tiền thưởng phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Điều này có nghĩa là người sử dụng lao động được quyền chủ động, tự nguyện trả thưởng cho người lao động căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ hoàn thành công việc của người lao động và không bắt buộc phải trả thưởng khi doanh nghiệp làm ăn không có lãi. Tuy nhiên, nếu trong hợp đồng lao động có thỏa thuận bắt buộc về thưởng và mức độ thưởng Tết, người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận này.
Bộ luật Lao động chỉ quy định về “tiền thưởng” mà không có quy định về các hình thức thưởng khác như thưởng bằng hiện vật hoặc thưởng bằng chính sản phẩm của doanh nghiệp. Pháp luật khuyến khích chủ doanh nghiệp thưởng Tết bằng tiền cho người lao động để họ có điều kiện mua sắm nhưng không bắt buộc và cũng không cấm dùng hiện vật để thay thế tiền thưởng Tết.
Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp thưởng Tết bằng một thùng nước mắm (sản phẩm của chính doanh nghiệp) thì cũng không trái quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật