Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được những quyền hạn gì?

Quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được quy định thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang là sinh viên của trường Đại học Sài Gòn, hiện tại tôi muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng những nội dung này tôi còn chưa rõ lắm. Vì thế, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được những quyền hạn gì? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Thanh Duy (duy***@gmail.com)

 

Quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24 Luật An ninh Quốc gia 2004 như sau:

1. Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được quyền:

a) Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức tài chính, kho bạc, ngân hàng kiểm tra, phong toả tài khoản, nguồn tài chính liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, hải quan bóc mở hoặc giao thư tín, điện tín, bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá để kiểm tra khi có căn cứ xác định trong đó có thông tin, tài liệu, chất nổ, vũ khí, vật phẩm khác có nguy hại cho an ninh quốc gia;

đ) Kiểm tra phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, máy tính, mạng máy tính, đồ vật, tài liệu, hàng hoá, chỗ ở, nơi làm việc hoặc các cơ sở khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

e) Trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra;

g) Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hoặc các hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam khi có căn cứ xác định các hoạt động này gây nguy hại cho an ninh quốc gia; yêu cầu ngừng các chuyến vận chuyển bằng các loại phương tiện giao thông của Việt Nam hoặc các phương tiện giao thông của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm an toàn cho các phương tiện đó;

h) Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người cộng tác, người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.

2. Thủ trưởng cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia quyết định việc sử dụng các quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này theo thủ tục, thẩm quyền do Chính phủ quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật An ninh Quốc gia 2004.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - An ninh quốc gia

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào