Cách chia di sản khi có thêm người thừa kế
Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế...”.
Như vậy, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết) người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền của người khác.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 Hội đồng thẩm phán TANDTC có hướng dẫn: “Trường hợp sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết”.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, cha mẹ bạn mất năm 2000, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế đã hết nên các em của bạn không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án phân chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, trong trường hợp giữa các anh chị em bạn không có tranh chấp về hàng thừa kế và có văn bản xác nhận di sản do người cha mẹ bạn để lại chưa chia; nội dung đơn khởi kiện là yêu cầu tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của các đồng thừa kế, tòa án sẽ thụ lý đơn và áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản để giải quyết.
Về việc bỏ sót người thừa kế, theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi che giấu người thừa kế không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính. Do đó, nếu bạn không nói ra người con riêng của bố bạn, bạn cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.
Để giải quyết tình huống sau khi chia xong di sản mới xuất hiện người thừa kế mới, Điều 687 Bộ luật dân sự quy định: “Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo đó, sau khi anh chị em bạn đã phân chia di sản của cha mẹ bạn để lại mà người con riêng của bố bạn xuất hiện đòi quyền thừa kế và người con này được pháp luật thừa nhận thì anh chị em bạn sẽ phải thanh toán lại cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó được hưởng tại thời điểm chia thừa kế, trừ trường hợp mọi người có thỏa thuận khác.
Thư Viện Pháp Luật