Hồ sơ đăng ký cơ sở pha chế khí được quy định như thế nào?
Hồ sơ đăng ký cơ sở pha chế khí được quy định tại Điều 4 Thông tư 11/2016/TT-BKHCN hướng dẫn đăng ký cơ sở pha chế khí như sau:
1. Trường hợp cấp mới, hồ sơ gồm:
a) Đơn đăng ký cơ sở pha chế khí theo Mẫu 1 - ĐĐK quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân sản xuất khí) hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu khí do Bộ Công Thương cấp (đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu khí);
c) Quy trình, thủ tục, tài liệu chứng minh việc xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 : 2008 hoặc hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành dầu khí theo tiêu chuẩn ISO/TS 29001 : 2013.
Trường hợp, thương nhân có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 : 2008 hoặc tiêu chuẩn ISO/TS 29001: 2013 do tổ chức chứng nhận đáp ứng các quy định của pháp luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa cấp, thương nhân nộp bản sao Giấy chứng nhận này.
d) Bản thuyết minh năng lực của từng cơ sở pha chế khí gồm các thông tin cơ bản sau:
- Tên sản phẩm khí thành phẩm; Bản công bố tiêu chuẩn áp dụng và chứng chỉ chất lượng phù hợp với bản công bố của loại khí thành phẩm được pha chế tại cơ sở;
- Phương pháp pha chế khí được sử dụng và hệ thống bồn bể, thiết bị tương ứng;
- Bảng kê khai chủng loại, chất lượng và xuất xứ các nguyên liệu, phụ gia dùng trong quá trình pha chế các loại khí thành phẩm;
- Năng lực phòng thử nghiệm hiện có tại cơ sở pha chế khí. Trường hợp chưa có phòng thử nghiệm đủ năng lực thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng, thương nhân phải đầu tư thiết bị bảo đảm đủ năng lực kiểm tra chất lượng khí theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu khí.
Trong thời gian đầu tư thiết bị thử nghiệm, thương nhân được phép ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thử nghiệm đáp ứng các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và có đủ năng lực kỹ thuật và phạm vi phù hợp để kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng khí theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Hợp đồng ký kết với tổ chức thử nghiệm bên ngoài phải được cập nhật trong hồ sơ đăng ký.
Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, thương nhân thực hiện đầu tư thiết bị thử nghiệm theo hướng dẫn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
- Kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm khí trong hoạt động pha chế khí phải thể hiện rõ các nội dung về quy trình kiểm tra, quy trình thử nghiệm, quy trình pha chế khí, kế hoạch tự kiểm tra, thử nghiệm chất lượng cho từng lô sản phẩm khí; tài liệu kỹ thuật;
- Quy định về phương án kiểm tra an toàn đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ để phát hiện và khắc phục kịp thời các dấu hiệu không đảm bảo an toàn trong suốt quá trình pha chế khí;
- Quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về phòng, chống cháy nổ và pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Trường hợp cấp điều chỉnh, bổ sung, hồ sơ gồm:
a) Đơn đăng ký điều chỉnh, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế khí theo Mẫu 3 – ĐĐK - ĐCBS quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản thuyết minh năng lực của từng cơ sở pha chế khí (đối với nội dung điều chỉnh, bổ sung) gồm các thông tin cơ bản sau:
- Tên sản phẩm khí thành phẩm; Bản công bố tiêu chuẩn áp dụng và chứng chỉ chất lượng phù hợp với bản công bố của loại khí thành phẩm được pha chế tại cơ sở;
- Phương pháp pha chế khí được sử dụng và hệ thống bồn bể, thiết bị tương ứng;
- Bảng kê khai chủng loại, chất lượng và xuất xứ các nguyên liệu, phụ gia dùng trong quá trình pha chế các loại khí thành phẩm;
- Năng lực phòng thử nghiệm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
- Kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm khí trong hoạt động pha chế khí thể hiện rõ các nội dung về quy trình kiểm tra, quy trình thử nghiệm, quy trình pha chế khí, kế hoạch tự kiểm tra, thử nghiệm chất lượng cho từng lô sản phẩm khí; tài liệu kỹ thuật (đối với nội dung điều chỉnh, bổ sung).
3. Trường hợp cấp lại, hồ sơ gồm:
a) Đơn đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế khí theo Mẫu 4 – ĐĐK - CL quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Báo cáo tình hình pha chế khí trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế khí (tính đến thời điểm đề nghị cấp lại);
c) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế khí bị hư hỏng (nếu có) đối với trường hợp Giấy chứng nhận bị hư hỏng;
4. Trước khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực 90 ngày, nếu tiếp tục pha chế khí, thương nhân phải lập hồ sơ đăng ký như đối với trường hợp cấp mới quy định tại khoản 1 Điều này và gửi về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Trên đây là quy định về Hồ sơ đăng ký cơ sở pha chế khí. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 11/2016/TT-BKHCN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật