Công ty của gia đình nên tham gia Bảo hiểm xã hội nào?
Để tham gia BHXH bắt buộc thì bạn phải có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên (từ 1.1.2018 thì chỉ cần có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên). Mức đóng BHXH, BHYT của cả Cty và NLĐ tổng cộng là 30,5% tiền lương ghi trong HĐLĐ. Trường hợp bạn có HĐLĐ từ đủ 12 tháng trở lên thì Cty và bạn phải tham gia thêm BHTN 2% nữa, tổng cộng các khoản BHXH, BHYT, BHTN là 32,5% mức lương ghi trong HĐLĐ.
Trong khi đó, nếu tham gia BHXH tự nguyện, thì chỉ mình bạn phải đóng hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do bạn lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Nếu tham gia BHXH bắt buộc, ngoài các chế độ hưu trí và tử tuất như BHXH tự nguyện, bạn còn được hưởng các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu rơi vào các trường hợp này. Ngoài ra, nếu tham gia BHTN, khi bạn chấm dứt HĐLĐ đúng luật với Cty và đi đăng ký thất nghiệp đúng quy định, thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).
Mức TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của BLLĐ đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng. Ngoài ra, nếu ký HĐLĐ và tham gia BHXH bắt buộc, thì khoản tiền này sẽ được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ để khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng bạn có thể sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân nếu tiền lương và thu nhập của bạn tại Cty ở mức chịu thuế.