Trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể của trẻ em
Trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể của trẻ em được quy định tại Điều 100 Luật trẻ em 2016, theo đó:
1. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm sau đây:
a) Trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại;
b) Chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em;
c) Bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư của mình, trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
2. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác, thông báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại trong và ngoài gia đình.
3. Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em có trách nhiệm lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho trẻ em trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quy định về trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể của trẻ em. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật trẻ em 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật