Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân khi chuyển ngành
Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân khi chuyển ngành được quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật Cơ yếu 2011 như sau:
Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân khi chuyển ngành được hưởng quyền lợi sau đây:
a) Bảo lưu mức lương tại thời điểm chuyển ngành trong thời gian tối thiểu là 18 tháng;
b) Trường hợp do yêu cầu điều động trở lại phục vụ trong lực lượng cơ yếu thì thời gian chuyển ngành được tính vào thời gian công tác liên tục để xét nâng cấp hàm, bậc lương và thâm niên công tác;
c) Khi nghỉ hưu thì phụ cấp thâm niên nghề tính theo thời gian làm việc trong tổ chức cơ yếu tại thời điểm chuyển ngành được cộng vào mức bình quân tiền lương tháng để làm cơ sở tính lương hưu.
Trường hợp khi nghỉ hưu mà mức lương hưu tính tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn mức lương hưu tính tại thời điểm chuyển ngành thì được hưởng mức lương hưu tính tại thời điểm chuyển ngành.
- Ngoài ra, nội dung quy định trên còn được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 32/2013/NĐ-CP như sau:
1. Người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị của Nhà nước) được hưởng quyền lợi như sau:
a) Được ưu tiên bố trí việc làm phù hợp với ngành nghề chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; đào tạo, bồi đưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết phù hợp với công việc đảm nhiệm;
b) Được miễn thi tuyển, nếu chuyển ngành về cơ quan, đơn vị cũ hoặc chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
c) Được ưu tiên cộng thêm điểm vào kết quả tuyển dụng khi thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước;
d) Được xếp lương phù hợp với công việc mới đảm nhiệm. Trường hợp hệ số lương mới thấp hơn hệ số lương của người làm công tác cơ yếu đã được hưởng tại thời điểm chuyển ngành thì được bảo lưu hệ số chênh lệch giữa hệ số lương tại thời điểm chuyển ngành so với hệ số lương mới trong thời gian tối thiểu là 18 tháng, do người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét, quyết định cho phù hợp với tương quan tiền lương nội bộ. Trong thời gian bảo lưu, nếu hệ số lương mới được xếp bằng hoặc cao hơn hệ số lương đã được hưởng trước khi chuyển ngành thì hưởng hệ số lương mới;
đ) Khi nghỉ hưu được thực hiện cách tính lương hưu theo quy định tại Khoản 7 Điều 34 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 68/2007/NĐ-CP).
2. Người làm công tác cơ yếu chuyển ngành sang các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước sau đó chuyển sang cơ quan, đơn vị hưởng lương theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, khi nghỉ hưu tính lương hưu được cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề theo thời gian làm việc của mức lương người làm công tác cơ yếu tại thời điểm chuyển ngành và được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tai thời điểm nghỉ hưu.
3. Người làm công tác cơ yếu đã chuyển ngành, do nhu cầu của lực lượng cơ yếu và được cấp có thẩm quyền điều động trở lại làm việc trong tổ chức cơ yếu thì thời gian chuyển ngành được tính vào thời gian công tác liên tục để xét nâng lương, thâm niên công tác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân khi chuyển ngành. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Cơ yếu 2011.
Trân trọng!