Chấp hành dự toán ngân sách cấp xã

Chấp hành dự toán ngân sách cấp xã được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi có một thắc mắc mong được ban biên tập giúp đỡ. Chấp hành dự toán ngân sách cấp xã được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Minh Hiền (hien*****@gmail.com)

Chấp hành dự toán ngân sách cấp xã được quy định tại Điều 12 Thông tư 344/2016/TT-BTC quy định quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn như sau:

1. Căn cứ dự toán ngân sách xã và phương án phân bổ ngân sách xã cả năm đã được Hội đồng nhân dân xã quyết định, Ủy ban nhân dân xã quyết định phân bổ chi tiết dự toán chi ngân sách xã theo từng bộ phận (theo mẫu biểu số 06 kèm theo Thông tư này) gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để nhập dự toán và làm căn cứ kiểm soát, thanh toán các khoản chi; đồng thời gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện để báo cáo.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã (hoặc người được ủy quyền) là chủ tài khoản thu, chi ngân sách xã.

3. Xã có quỹ tiền mặt tại xã để thanh toán các khoản chi có giá trị nhỏ. Riêng những xã ở xa Kho bạc Nhà nước, điều kiện đi lại khó khăn, chưa thể thực hiện việc nộp trực tiếp, kịp thời các khoản thu của ngân sách xã vào Kho bạc Nhà nước thì cho phép để lại để chủ động chi theo chế độ quy định và trong phạm vi dự toán đã được Hội đồng nhân dân xã quyết định; định kỳ hằng tháng làm thủ tục hạch toán thu, hạch toán chi vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

4. Tổ chức thu ngân sách:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo bộ phận tài chính, kế toán xã có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan thuế đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức, đơn vị, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách, căn cứ vào thông báo thu của cơ quan thu hoặc của Ủy ban nhân dân xã, thực hiện nộp trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu hoặc phối hợp thu. Đối với các khoản thu ngân sách do Ủy ban nhân dân xã trực tiếp thu, thì định kỳ phải nộp vào Kho bạc Nhà nước theo quy định hoặc làm thủ tục nộp ngân sách theo quy định tại Khoản 3 Điều này. Việc kê khai, nộp thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý thuế;

c) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định phải hoàn trả khoản thu ngân sách xã, thì thủ tục và quyết định hoàn trả thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành;

d) Việc luân chuyển chứng từ được thực hiện như sau:

Đối với các khoản thu ngân sách xã được hưởng 100% hoặc các khoản thu phân chia với ngân sách cấp trên, Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch lập Bảng kê các khoản thu ngân sách xã, gửi Ủy ban nhân dân xã theo từng tháng;

Đối với số thu bổ sung từ ngân sách huyện cho ngân sách xã:

Hằng tháng, Ủy ban nhân dân xã chủ động rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để đảm bảo cân đối ngân sách cấp mình; mức rút tối đa hàng tháng về nguyên tắc không vượt quá 1/12 tổng mức bổ sung cân đối ngân sách cả năm; riêng các tháng trong quý I, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ chi của ngân sách xã, mức rút dự toán có thể cao hơn, nhưng mức rút 01 tháng không vượt quá 12% dự toán năm và đảm bảo tổng mức rút quý I không vượt quá 30% dự toán năm. Trường hợp đặc biệt cần tăng thêm tiến độ rút dự toán, Ủy ban nhân dân xã có văn bản đề nghị Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện xem xét, giải quyết.

Riêng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp huyện cho ngân sách xã (bao gồm cả bổ sung có mục tiêu ngoài dự toán giao đầu năm), căn cứ khả năng nguồn thu và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chi, Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định việc rút dự toán của ngân sách xã cho phù hợp thực tế ở địa phương.

Căn cứ giấy rút dự toán bổ sung từ ngân sách cấp trên của Ủy ban nhân dân xã (theo mẫu biểu hiện hành); Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kiểm tra các điều kiện: đã có trong dự toán được giao, trong giới hạn rút vốn hằng tháng, sau đó hạch toán chi ngân sách cấp trên, thu ngân sách cấp dưới theo đúng nội dung khoản bổ sung và mục lục ngân sách nhà nước.

5. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách:

a) Khi thực hiện quyết định chi ngân sách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hoặc người được ủy quyền quyết định chi phải kiểm tra, bảo đảm khoản chi đáp ứng các điều kiện sau:

Đúng dự toán được giao, trừ trường hợp đầu năm ngân sách, dự toán ngân sách và phân bổ dự toán chưa được cấp có thẩm quyền quyết định và các khoản chi từ nguồn tăng thu, nguồn dự phòng ngân sách, kết dư ngân sách năm trước theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

Đối với chi đầu tư phát triển, phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và xây dựng;

Đối với chi thường xuyên phải đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định;

Chứng từ, hồ sơ thanh toán phải hợp lệ, hợp pháp; đối với các khoản mua sắm, sửa chữa tài sản có giá trị lớn phải thực hiện đấu thầu theo quy định;

b) Các tổ chức, đơn vị thuộc xã:

Lập dự toán sử dụng kinh phí hằng quý (chia ra từng tháng) gửi Ủy ban nhân dân xã. Khi có nhu cầu chi, các đơn vị, tổ chức làm các thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân xã rút tiền tại Kho bạc Nhà nước hoặc quỹ tại xã để thanh toán;

Chấp hành đúng quy định về thanh toán và quyết toán sử dụng kinh phí với Ủy ban nhân dân xã;

c) Bộ phận tài chính, kế toán xã:

Thẩm tra nhu cầu sử dụng kinh phí của các đơn vị, tổ chức;

Bố trí nguồn theo dự toán năm để đáp ứng nhu cầu chi. Trường hợp nhu cầu chi lớn hơn thu tại một thời điểm, thì ưu tiên bố trí kinh phí đảm bảo nhiệm vụ chi lương, các khoản chi có tính chất lương, các khoản chi an sinh xã hội, trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội đầy đủ, kịp thời. Trường hợp vẫn không đảm bảo nguồn, bộ phận tài chính, kế toán xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đề nghị Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tăng tiến độ cấp bổ sung cân đối hoặc tạm thời sắp xếp lại nhu cầu chi phù hợp với nguồn thu;

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi ngân sách, sử dụng tài sản của các đơn vị sử dụng ngân sách, phát hiện và báo cáo đề xuất kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã về những vi phạm chế độ, tiêu chuẩn, định mức để có biện pháp xử lý;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hoặc người được ủy quyền quyết định chi thông qua ký duyệt giấy rút dự toán hoặc lệnh chi tiền (gọi tắt là chứng từ chi) hoặc tạm ứng kinh phí bằng giấy đề nghị tạm ứng theo quy định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; nếu chi sai phải bồi hoàn cho công quỹ và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Quy trình chi ngân sách xã:

Căn cứ vào dự toán chi ngân sách xã đã được Hội đồng nhân dân quyết định, tiến độ công việc, bộ phận tài chính, kế toán xã làm thủ tục chi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hoặc người được ủy quyền quyết định gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch và kèm theo các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật. Trên chứng từ chi phải ghi cụ thể, đầy đủ chương, loại, khoản, mục, tiểu mục theo quy định của mục lục ngân sách nhà nước, kèm theo Bảng kê chứng từ chi (theo mẫu biểu số 14 kèm theo Thông tư này), tài liệu chứng minh. Trường hợp thanh toán một lần có nhiều chương, thì lập thêm Bảng kê chi, chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước (theo mẫu biểu số 15 kèm theo Thông tư này), trên Bảng kê ghi rõ số hiệu, ngày, tháng của chứng từ chi, đồng thời trên chứng từ chi phải ghi rõ số hiệu của Bảng kê, tổng số tiền;

Trường hợp thanh toán bằng tiền mặt, sử dụng chứng từ chi bằng tiền mặt. Kho bạc Nhà nước kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì thực hiện thanh toán cho khách hàng hoặc người được sử dụng;

Trong những trường hợp thật cần thiết, như tạm ứng công tác phí, ứng tiền trước cho khách hàng, cho nhà thầu theo hợp đồng, chuẩn bị hội nghị, tiếp khách, mua sắm nhỏ và các nhiệm vụ cần thiết khác được tạm ứng để chi. Trong trường hợp này, trên chứng từ chi chỉ ghi tổng số tiền cần tạm ứng. Khi thanh toán tạm ứng phải có đủ chứng từ hợp lệ, bộ phận tài chính, kế toán xã phải lập Bảng kê chứng từ chi (theo mẫu biểu số 14 kèm theo Thông tư này) và Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng (theo mẫu biểu số 16 kèm theo Thông tư này) gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch làm thủ tục chuyển tạm ứng sang thực chi ngân sách;

Các khoản thanh toán ngân sách xã cho các đối tượng thụ hưởng phải được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản (trừ trường hợp được phép chi bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước);

Đối với các khoản chi từ các nguồn thu được giữ lại tại xã, bộ phận tài chính, kế toán xã phối hợp với Kho bạc Nhà nước định kỳ làm thủ tục hạch toán thu, hạch toán chi vào ngân sách xã; khi làm thủ tục hạch toán thu, hạch toán chi phải kèm theo Bảng kê chứng từ thu và Bảng kê chứng từ chi theo đúng chế độ quy định;

e) Chi thường xuyên:

Ưu tiên chi trả tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản đóng góp cho cán bộ, công chức xã, chi an sinh xã hội, trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội;

Các khoản chi thường xuyên khác phải căn cứ vào dự toán năm, khối lượng thực hiện công việc, khả năng của ngân sách xã tại thời điểm chi để thực hiện chi cho phù hợp;

g) Chi đầu tư phát triển:

Việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách xã phải thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật về đầu tư công và phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách xã thực hiện theo quy định riêng của Bộ Tài chính;

Đối với dự án đầu tư bằng nguồn đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện, ngoài các quy định chung cần phải bảo đảm: Mở sổ kế toán theo dõi và phản ánh kịp thời mọi khoản đóng góp bằng tiền, ngày công lao động, hiện vật của nhân dân; trong quá trình thi công, nghiệm thu và thanh toán phải có sự giám sát của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo chế độ quy định;

Chi xây dựng cơ bản phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật đầu tư công, xây dựng và các quy định về tài chính theo chế độ quy định; nghiêm cấm việc nợ đọng xây dựng cơ bản, chiếm dụng vốn dưới mọi hình thức.

6. Điều chỉnh dự toán ngân sách xã thực hiện theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 Luật ngân sách nhà nước.

Trên đây là quy định về Chấp hành dự toán ngân sách cấp xã. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 344/2016/TT-BTC.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào