Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia

Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia quy định như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Hiện tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia. Vì vậy, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Hữu Thịnh (thinh***@gmail.com)

Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia được quy định tại Điều 19 Luật dự trữ quốc gia 2012 như sau:

1. Trực tiếp bảo quản hàng dự trữ quốc gia bảo đảm đủ số lượng, đúng chất lượng, chủng loại và tại các địa điểm theo đúng hợp đồng đã ký.

2. Thực hiện nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia kịp thời theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

3. Thực hiện luân chuyển, hoán đổi hàng dự trữ quốc gia cũ, mới phải cùng chủng loại, số lượng và chất lượng theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện báo cáo việc nhập, xuất, tồn kho hàng dự trữ quốc gia cho cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách và bộ, ngành thuê bảo quản.

- Ngoài ra, nội dung quy định tại Điều này còn được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 172/2013/TT-BTC như sau:

1. Trực tiếp bảo quản hàng dự trữ quốc gia; hàng dự trữ quốc gia phải được cất giữ riêng, đúng địa điểm quy định; bảo đảm an toàn, đầy đủ về số lượng; đảm bảo chất lượng; sắp xếp, bảo quản theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia. Thực hiện luân chuyển, hoán đổi, nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của cấp có thẩm quyền, đảm bảo đúng chủng loại, số lượng, giá trị, chất lượng theo quy định của pháp luật. 

2. Thực hiện kế hoạch nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia kịp thời theo đúng quyết định của cấp có thẩm quyền. 

3. Có biện pháp bảo vệ chặt chẽ, an toàn, giữ gìn bí mật hàng dự trữ quốc gia; thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. 

4. Lập đầy đủ hồ sơ, chứng từ, sổ sách để hạch toán, theo dõi số lượng, chất lượng, giá trị và diễn biến trong quá trình nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia, gồm: sổ kế toán, thẻ kho; sổ kho; sổ theo dõi bồn, bể; phiếu kiểm nghiệm chất lượng, nhật ký bảo quản. 

5. Trong quá trình bảo quản hàng dự trữ quốc gia nếu để hàng bị hư hỏng, giảm chất lượng, hao hụt quá định mức do nguyên nhân chủ quan hoặc sử dụng hàng dự trữ quốc gia sai mục đích, phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp giảm hao hụt so với định mức thì được trích thưởng theo quy định của Chính phủ; nếu phát hiện hàng dự trữ quốc gia bị hư hỏng, giảm chất lượng phải có biện pháp phục hồi hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép xuất bán để tránh thiệt hại. 

6. Thực hiện tổng hợp, báo cáo việc nhập, xuất, tồn kho; tình hình thực hiện kinh phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo quý và theo năm gửi bộ, ngành thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia trước ngày 10 tháng đầu quý sau (đối với báo cáo quý), trước ngày 15/01 năm sau (đối với báo cáo năm).

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, doanh nghiệp nhận hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật dự trữ quốc gia 2012.

Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào