Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia
Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia được quy định tại Điều 16 Luật dự trữ quốc gia 2012 như sau:
1. Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, Danh mục hàng dự trữ quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia và mức dự trữ từng loại hàng dự trữ quốc gia.
2. Tổ chức chỉ đạo các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia; ký và thực hiện hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.
3. Báo cáo công tác quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 172/2013/TT-BTC như sau:
1. Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia được lập thành văn bản và có các nội dung chính sau đây:
a) Căn cứ pháp lý;
b) Chủ thể của Hợp đồng;
c) Danh mục, chủng loại mặt hàng; số lượng; giá trị hàng dự trữ quốc gia thuê bảo quản;
d) Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; địa điểm để hàng; thời gian bảo quản, thời gian xuất luân phiên đổi hàng và hao hụt trong bảo quản (theo định mức);
đ) Các điều kiện bảo đảm về kho chứa, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý bảo quản;
e) Chi phí thuê bảo quản; hồ sơ và phương thức thanh toán;
g) Trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc thực hiện hợp đồng bảo quản;
h) Quy định về kiểm tra, kiểm soát;
i) Giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng và một số quy định khác do hai bên thỏa thuận.
2. Căn cứ để ký Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia
a) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia trong năm kế hoạch; số lượng hàng dự trữ quốc gia tồn kho đầu năm;
b) Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia;
c) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia (nếu có). Định mức kinh tế - kỹ thuật về nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia (nếu có) hoặc tổng dự toán phí nhập, xuất, bảo quản được phê duyệt;
d) Quyết định của Thủ trưởng bộ, ngành về giao kế hoạch nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia cho đơn vị;
đ) Quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu thuê bảo quản của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia;
3. Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia được ký kết giữa Thủ trưởng (hoặc người đại diện hợp pháp) của bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia (gọi tắt là bên A) với người đại diện hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp được lựa chọn thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo quy định tại khoản 2, Điều 4 của Thông tư này (gọi tắt là bên B). Thời hạn của Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia do Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định cho phù hợp với thời gian bảo quản của từng mặt hàng. Hàng năm (trước ngày 25/02), hai bên tiến hành rà soát Hợp đồng, trường hợp có phát sinh làm thay đổi nội dung Hợp đồng (tăng, giảm lượng, thay đổi địa điểm bảo quản, Quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia...), hai bên tiến hành ký phụ lục bổ sung của Hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng, tiến hành thanh lý Hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng và phụ lục Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia được gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) để theo dõi, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
4. Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia được lập theo mẫu kèm theo Thông tư này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật dự trữ quốc gia 2012.
Trân trọng!