Quy trình tổ chức đàm phán mua lại trái phiếu Chính phủ
Quy trình tổ chức đàm phán mua lại trái phiếu Chính phủ được quy định tại Điều 9 Thông tư 22/2017/TT-BTC quy định mua lại trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước (có hiệu lực từ ngày 01/05/2017) như sau:
1. Tối thiểu năm (5) ngày làm việc trước ngày tổ chức mua lại trái phiếu, Kho bạc Nhà nước thông báo thông tin về đợt mua lại trái phiếu trên trang điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán. Nội dung thông báo gồm:
a) Điều khoản các trái phiếu dự kiến được mua lại, bao gồm: mã trái phiếu, quy mô của mã trái phiếu, ngày phát hành lần đầu, ngày đáo hạn, lãi suất danh nghĩa, phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu;
b) Khối lượng trái phiếu dự kiến mua lại đối với từng mã trái phiếu;
c) Ngày cuối cùng đăng ký bán lại trái phiếu, ngày phong tỏa trái phiếu, ngày tổ chức mua lại trái phiếu và ngày mua lại trái phiếu dự kiến.
2. Căn cứ vào thông báo về đợt mua lại trái phiếu quy định tại Khoản 1 Điều này, chủ sở hữu trái phiếu hoặc tổ chức được chủ sở hữu trái phiếu ủy quyền thực hiện đăng ký bán lại trái phiếu với Kho bạc Nhà nước theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư này. Các đơn đăng ký bán lại trái phiếu nộp sau ngày cuối cùng đăng ký bán lại trái phiếu là không hợp lệ.
3. Sau ngày cuối cùng đăng ký bán lại trái phiếu, căn cứ thông tin đăng ký bán lại trái phiếu, Kho bạc Nhà nước thông báo cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam để phong tỏa số trái phiếu đăng ký bán lại theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư này. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thực hiện phong tỏa số trái phiếu đăng ký bán lại của chủ sở hữu trái phiếu và thông báo cho Kho bạc Nhà nước về việc phong tỏa.
4. Vào ngày tổ chức mua lại trái phiếu, căn cứ vào thông tin đăng ký bán lại trái phiếu của chủ sở hữu trái phiếu, thông báo phong tỏa trái phiếu đăng ký bán lại của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Kho bạc Nhà nước thực hiện đàm phán, thống nhất với các chủ sở hữu trái phiếu hoặc tổ chức được chủ sở hữu trái phiếu ủy quyền về điều khoản mua lại trái phiếu. Nội dung đàm phán gồm:
a) Khối lượng trái phiếu mua lại đối với mỗi mã trái phiếu;
b) Mức lãi suất mua lại đối với mỗi mã trái phiếu theo quy định tại Điều 3 Thông tư này;
c) Ngày mua lại trái phiếu;
d) Giá một trái phiếu mua lại. Giá mua lại trái phiếu được xác định theo quy định tại Điều 14 Thông tư này;
đ) Tổng số tiền mua lại trái phiếu, được xác định bằng số lượng trái phiếu mua lại nhân với giá mua một (01) trái phiếu.
5. Trên cơ sở thống nhất kết quả đàm phán, Kho bạc Nhà nước và chủ sở hữu trái phiếu hoặc tổ chức được chủ sở hữu trái phiếu ủy quyền ký Hợp đồng về việc mua lại trái phiếu theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này ngay trong ngày tổ chức mua lại trái phiếu.
6. Chậm nhất một (01) ngày làm việc liền kề sau ngày tổ chức mua lại trái phiếu, Kho bạc Nhà nước thông báo cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán kết quả đàm phán mua lại theo mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư này. Căn cứ thông báo của Kho bạc Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tiếp tục phong tỏa đối với trái phiếu đã ký hợp đồng mua lại và ngừng phong tỏa đối với trái phiếu không được mua lại.
7. Vào ngày mua lại trái phiếu theo hợp đồng đã ký với chủ sở hữu trái phiếu, Kho bạc Nhà nước chuyển tiền mua lại trái phiếu theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.
8. Việc hủy niêm yết, hủy đăng ký, rút lưu ký trái phiếu được mua lại thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.
9. Kết thúc đợt mua lại trái phiếu, Kho bạc Nhà nước công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.
Trên đây là quy định về Quy trình tổ chức đàm phán mua lại trái phiếu Chính phủ. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 22/2017/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật