Phương án mua lại trái phiếu Chính phủ
Phương án mua lại trái phiếu Chính phủ được quy định tại Điều 8 Thông tư 22/2017/TT-BTC quy định mua lại trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước (có hiệu lực từ ngày 01/05/2017) như sau:
1. Căn cứ nhu cầu tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án mua lại trái phiếu theo quy định tại Khoản 2 Điều này, báo cáo Bộ Tài chính để Bộ Tài chính phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
2. Nội dung cơ bản của phương án mua lại trái phiếu bao gồm:
a) Mục đích mua lại;
b) Điều kiện, điều khoản của các trái phiếu dự kiến mua lại gồm: mã trái phiếu, quy mô của mã trái phiếu, ngày phát hành lần đầu, ngày đáo hạn, kỳ hạn còn lại của trái phiếu tại thời điểm dự kiến tổ chức đợt mua lại trái phiếu, lãi suất danh nghĩa, phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu, danh sách chủ sở hữu trái phiếu tại thời điểm xây dựng phương án;
c) Phương thức mua lại dự kiến;
d) Nguồn mua lại trái phiếu, chi phí thực hiện mua lại trái phiếu;
đ) Thời gian dự kiến tổ chức đợt mua lại trái phiếu.
3. Căn cứ vào thẩm quyền phê duyệt phương án mua lại quy định tại Điều 13 Quyết định số 56/2012/QĐ-TTgngày 21/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công, Bộ Tài chính phê duyệt phương án mua lại hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án mua lại theo thẩm quyền.
4. Căn cứ phương án mua lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Khoản 3 Điều này và nguồn mua lại được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước tổ chức mua lại trái phiếu Chính phủ theo quy định tại Thông tư này.
Trên đây là quy định về Phương án mua lại trái phiếu Chính phủ. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 22/2017/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật