Hội đồng thẩm định luận án của nghiên cứu sinh
Hội đồng thẩm định luận án của nghiên cứu sinh được quy định tại Điều 26 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT như sau:
1. Hội đồng thẩm định luận án gồm 07 thành viên, trong đó có tối thiểu 04 thành viên chưa tham gia đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, chưa là phản biện độc lập hoặc chưa là thành viên Hội đồng đánh giá luận án cấp trường, viện; có các nhà khoa học tham gia thẩm định không tán thành luận án theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Quy chế này.
2. Tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng thẩm định luận án như tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng đánh giá luận án cấp trường, viện quy định tại khoản 2 Điều 19 Quy chế này.
3. Hội đồng thẩm định luận án có chủ tịch, thư ký và các ủy viên.
4. Hội đồng chỉ họp khi có mặt tối thiểu 06 thành viên bao gồm chủ tịch, thư ký và các thành viên hội đồng có ý kiến không tán thành luận án (nếu có).
5. Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định: xem xét, đánh giá và quyết nghị về nội dung, chất lượng luận án hoặc làm rõ những nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo.
6. Luận án không đạt yêu cầu thẩm định khi có từ 02 thành viên Hội đồng có mặt trở lên không tán thành.
7. Trong trường hợp luận án không được Hội đồng thẩm định thông qua, thủ trưởng cơ sở đào tạo tổ chức và chủ trì đối thoại giữa Hội đồng thẩm định luận án và Hội đồng đánh giá luận án cấp trường, viện có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số lượng thành viên của hai Hội đồng dự họp tối thiểu là 12 người, trong đó chủ tịch, phản biện, thư ký và các thành viên có ý kiến không tán thành của hai Hội đồng phải có mặt. Luận án không được thông qua nếu có từ 03 thành viên có mặt tại buổi đối thoại trở lên không tán thành. Kết quả cuộc họp đối thoại là kết quả thẩm định cuối cùng về nội dung, chất lượng luận án.
Trên đây là quy định về Hội đồng thẩm định luận án của nghiên cứu sinh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật