Quy định trả tang vật cho người bị chiếm đoạt tài sản
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc người bạn lừa mượn xe rồi mang đi cầm cố có thể phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Việc xác định hành vi nói trên thuộc tội danh nào cần căn cứ thời điểm phát sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Cụ thể nếu ý định chiếm đoạt có trước hoặc có vào thời điểm mượn xe thì hành vi này phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn nếu mượn xe rồi mới nảy sinh ý định chiếm đoạt và thực hiện hành vi chiếm đoạt thì phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, chiếc ôtô bị chiếm đoạt được xác định là vật chứng của vụ án.
Về nguyên tắc, vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, căn cứ từng loại vật chứng cụ thể mà pháp luật quy định, việc xử lý vậy chứng như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ.
b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước.
c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật.
đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.
Khoản 3 điều này cũng quy định việc trả lại tài sản (vật chứng) quy định tại điểm b nói trên cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp có thể được thực hiện ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
Như vậy, với trường hợp của bạn, nếu cơ quan điều tra không chủ động trả lại xe thì bạn có quyền làm đơn đề nghị được nhận lại xe. Sau khi nhận đơn, nếu xét thấy việc tạm giữ ôtô là không cần thiết thì cơ quan điều tra có quyền trả lại cho bạn.
Trường hợp chiếc xe bị hư hỏng, giảm sút giá trị do hành vi phạm tội gây ra thì bạn có quyền yêu cầu người phạm tội bồi thường thiệt hại. Thẩm quyền xem xét trách nhiệm bồi thường và mức độ bồi thường thuộc về tòa án.
Thư Viện Pháp Luật