Phạm vi trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Phạm vi trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quy định tại Điều 5 Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật như sau:
1. Bộ Tư pháp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
3. Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương.
Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
Tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu, giúp người đứng đầu cơ quan chuyên môn theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về phạm vi trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 59/2012/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật