Quyền tham gia tố tụng khi giải quyết vụ án dân sự mà Tòa án có xem xét hủy quyết định cá biệt
Khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện”. Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015 chỉ áp dụng đối với trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong vụ án hành chính.
Theo quy định tại Điều 3 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì: “Mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật này”. Do vậy, khi giải quyết vụ án dân sự mà Tòa án có xem xét hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ban hành quyết định cá biệt đó tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì việc xác định người đại diện theo ủy quyền của họ được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự”. Tuy nhiên, vì liên quan đến việc xem xét hủy hay không hủy quyết định hành chính cá biệt nên Tòa án cần có ý kiến để cơ quan đã ban hành quyết định cá biệt đó ủy quyền cho người có đủ năng lực và chuyên môn tham gia tố tụng.
Trên đây là giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao tại Khoản 3 Phần IV. Về tố tụng dân sự, thi hành án dân sự tại Văn bản 01/2017/GĐ-TANDTC giải đáp vấn đề nghiệp vụ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật