Tại sao bị cấm nuôi chó, mèo ở chung cư?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ ngày 10/12/2015), cấm hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư.
Theo Khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở 2014, nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Do đó, bạn có thể hiểu rằng khu vực nhà chung cư bao gồm cả khu vực thuộc sở hữu riêng và khu vực thuộc sở hữu chung và theo quy định vừa nêu, không được chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực chung cư. Nghĩa là việc nuôi chó, mèo tại khu vực nhà chung cư bị cấm.
Có thể các nhà làm luật cho rằng chung cư là nơi công cộng, có nhiều người cùng sinh sống nên cần đảm bảo an toàn, trật tự chung cho mọi người. Việc nuôi gia súc, chó, mèo có thể gây ồn ào, mất trật tự và có thể gây ra sự mất an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người khác. Tuy nhiên, như quan điểm của bạn, hiện có nhiều ý kiến cho rằng quy định trên là bất hợp lý vì nuôi chó, mèo, thú cưng cũng là một nhu cầu chính đáng và chủ sở hữu vật nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm đối với vật nuôi của mình. Việc nuôi chó, mèo, thú cưng nên để Hội nghị nhà chung cư quyết định và đưa vào Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Theo tôi, dù quy định cấm nuôi gia súc ở chung cư còn có sự bất hợp lý và có ý kiến khác nhau nhưng đây là quy định pháp luật hiện hành nên mọi người buộc phải tuân thủ, chấp hành và thực hiện.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm e, Điểm d Khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với mỗi hành vi.