Quy trình thanh toán từng lần qua tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng Nhà nước
Quy trình thanh toán từng lần qua tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng Nhà nước được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 46/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành như sau:
a) Lập, giao nhận chứng từ
- Đối với các khoản thanh toán của bản thân đơn vị trả tiền: đơn vị trả tiền lập và nộp chứng từ thanh toán (ủy nhiệm chi, các chứng từ thanh toán thích hợp khác) vào Ngân hàng Nhà nước nơi mở tài khoản thanh toán yêu cầu trích một số tiền nhất định trên tài khoản của đơn vị mình để trả hoặc chuyển cho đơn vị thụ hưởng.
- Đối với các khoản thanh toán cho khách hàng của đơn vị trả tiền: đơn vị trả tiền căn cứ vào các chứng từ của khách hàng để lập Bảng kê các chứng từ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước (theo Phụ lục 01 đính kèm Thông tư này) và nộp vào Ngân hàng Nhà nước kèm các chứng từ thanh toán của khách hàng. Bảng kê các chứng từ được lập riêng cho từng đơn vị thụ hưởng; trong trường hợp đơn vị trả tiền và đơn vị thụ hưởng có tài khoản thanh toán khác địa bàn tỉnh, thành phố, Bảng kê các chứng từ phải ghi rõ số hiệu tài khoản bên thụ hưởng, đơn vị thụ hưởng.
b) Xử lý chứng từ và hạch toán
- Khi nhận được các chứng từ thanh toán do đơn vị trả tiền nộp, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ; đối chiếu sự khớp đúng giữa Bảng kê các chứng từ với các chứng từ kèm theo và kiểm tra khả năng thanh toán của đơn vị trả tiền.
- Sau khi kiểm soát, nếu chứng từ không hợp lệ thì Ngân hàng Nhà nước báo cho đơn vị trả tiền để chỉnh sửa hoặc trả lại cho đơn vị trả tiền. Nếu đơn vị trả tiền không đủ khả năng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước thông báo để bổ sung khả năng thanh toán hoặc trả lại chứng từ cho đơn vị trả tiền.
Nếu chứng từ hợp lệ và đơn vị trả tiền đủ khả năng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh toán ngay và xử lý:
+ Trường hợp đơn vị trả tiền và đơn vị thụ hưởng mở tài khoản tại cùng một đơn vị Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước hạch toán vào tài khoản thanh toán của đơn vị trả tiền, đơn vị thụ hưởng và báo Nợ cho đơn vị trả tiền, báo Có kèm các chứng từ thanh toán của khách hàng cho đơn vị thụ hưởng (nếu có).
+ Trường hợp đơn vị trả tiền và đơn vị thụ hưởng không mở tài khoản tại cùng một đơn vị Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước hạch toán vào tài khoản thanh toán của đơn vị trả tiền, báo Nợ cho đơn vị trả tiền và lập lệnh chuyển tiền đi qua hệ thống thanh toán thích hợp.
- Khi nhận được lệnh chuyển tiền đến, sau khi kiểm soát và xử lý chứng từ theo quy định của hệ thống thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhận lệnh hạch toán vào tài khoản thanh toán của đơn vị thụ hưởng (hoặc tài khoản thích hợp nếu đơn vị thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước) và báo Có cho đơn vị thụ hưởng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quy trình thanh toán từng lần qua tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng Nhà nước. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 46/2014/TT-NHNN.
Trân trọng!