Trả lương làm ca ngày Giỗ tổ Hùng Vương thế nào?
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 97 Bộ luật lao động 2012 thì NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày. Như vậy, nếu NLĐ hưởng lương ngày mà đi làm việc trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương thì sẽ được hưởng đến 4 ngày lương (một ngày lương có sẵn trong lương tháng và 3 ngày lương làm thêm giờ).
Đối với trường hợp NLĐ phải làm ca từ 22 giờ ngày 5.4 đến 6 giờ ngày 6.4 thì việc trả lương làm thêm tính thế nào? Trường hợp này, tại Công văn 3210/LĐTBXH-LĐTL do Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương Bộ LĐTBXH Tống Thị Minh ký ngày 12.8.2015, hướng dẫn như sau: Trường hợp NLĐ đi làm vào ca làm việc có thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày lễ, Tết thì từ 0 giờ đến 6 giờ của ngày lễ, Tết, NLĐ được trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định tại điều 97 BLLĐ 2012. Do đó, để tính được tiền lương làm thêm này, trước hết cần xác định tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 BLLĐ (điểm d, khoản 1, điều 4, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH). Do thời gian làm từ 0 đến 6 giờ ngày Giỗ tổ Hùng Vương được xác định là giờ làm việc ban đêm, nên cách tính tiền lương những giờ này theo quy định tại điều 8 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH.
Về trường hợp công ty bố trí cho NLĐ nghỉ bù ngày khác thì vẫn phải trả thêm tiền chênh lệch cho NLĐ không, thì hiện nay pháp luật lao động không quy định. Tuy nhiên, tại Điều 61 BLLĐ sửa đổi, bổ sung năm 2012 có quy định “… nếu NLĐ được nghỉ bù những giờ làm thêm, thì NSDLĐ chỉ phải trả phần tiền chênh lệch so với tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm của ngày làm việc bình thường”. Bạn nên tham khảo các quy định này để có cách trả lương phù hợp với NLĐ phải làm ca trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương.