Trách nhiệm của Cơ quan Trung ương của Nước có trẻ được nhận làm con nuôi quốc tế
Trách nhiệm của Cơ quan Trung ương của Nước có trẻ được nhận làm con nuôi quốc tế được quy định cụ thể tại Điều 16 Công ước La Haye 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, theo đó:
1. Nếu Cơ quan Trung ương của Nước gốc thấy rằng trẻ em đó có thể làm con nuôi được thì phải:
a) Làm một báo cáo bao gồm những thông tin về nhân thân của trẻ em, về khả năng được cho làm con nuôi, tình trạng cá nhân, môi trường xã hội, lý lịch gia đình, lý lịch y tế bao gồm cả lý lịch y tế của gia đình trẻ em và về những nhu cầu đặc biệt của các em;
b) Xem xét một cách thoả đáng việc nuôi nấng trẻ em và đặc điểm về chủng tộc, tôn giáo và văn hoá của trẻ em;
c) Đảm bảo rằng đã đạt được những sự đồng ý theo Điều 4; và
d) Đặc biệt dựa trên cơ sở các báo cáo liên quan đến trẻ em và cha mẹ nuôi tương lai, xác nhận rằng việc cho trẻ em làm con nuôi là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
2. Cơ quan Trung ương của Nước gốc phải chuyển cho Cơ quan Trung ương của Nước nhận báo cáo về trẻ em, bằng chứng về những sự đồng ý cần thiết đã có được và những lý do xác nhận việc giới thiệu trẻ em, đồng thời tránh để lộ danh tính của cha mẹ, nếu danh tính của họ không thể được tiết lộ tại Nước gốc.
Trên đây là tư vấn về trách nhiệm của Cơ quan Trung ương của Nước có trẻ được nhận làm con nuôi quốc tế. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo tại Công ước La Haye 1993.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật