Đầu tư vốn ra ngoài EVN được quy định thế nào?
Đầu tư vốn ra ngoài EVN được quy định tại Điều 10 Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 10/2017/NĐ-CP như sau:
1. EVN được quyền sử dụng vốn của EVN để đầu tư ra ngoài EVN thuộc các ngành nghề kinh doanh được quy định trong Điều lệ tổ chức hoạt động của EVN. Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của EVN.
2. Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN nếu có liên quan đến đất đai phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.
3. EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con của EVN (doanh nghiệp cấp II), từ các công ty con của doanh nghiệp cấp II (doanh nghiệp cấp III).
4. EVN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán.
5. Các hình thức đầu tư vốn ra ngoài EVN phải theo quy định của pháp luật gồm:
a) Góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới.
b) Mua cổ phần hoặc góp vốn tại các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh điện năng.
c) Mua lại một doanh nghiệp khác để hình thành một pháp nhân mới.
d) Các hình thức đầu tư khác ra ngoài doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
6. Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư vốn ra ngoài EVN:
a) Hội đồng thành viên quyết định từng dự án đầu tư ra ngoài EVN với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công. Hội đồng thành viên phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định các dự án đầu tư ra ngoài EVN theo quy chế phân cấp nội bộ của EVN và phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN;
b) Trường hợp dự án đầu tư ra ngoài EVN có giá trị lớn hơn mức quy định tại điểm a khoản này, dự án góp vốn liên doanh của doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, dự án đầu tư vào doanh nghiệp khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, Hội đồng thành viên báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định. Trường hợp vượt thẩm quyền, cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. EVN không được góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của doanh nghiệp; EVN không được góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
8. EVN thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu vốn đối với số vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quy định về Đầu tư vốn ra ngoài EVN. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 10/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật