Quyền huy động vốn của EVN

Quyền huy động vốn của EVN được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi có một thắc mắc mong được ban biên tập giúp đỡ. Quyền huy động vốn của EVN được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Hải Băng (bang****@gmail.com)

Quyền huy động vốn của EVN được quy định tại Điều 6 Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 10/2017/NĐ-CP như sau:

1. EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết. Việc huy động vốn của EVN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với công ty con của EVN) trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn không vượt quá 3 lần. Trong đó:

a) Vốn chủ sở hữu ghi trên bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN được xác định không bao gồm chỉ tiêu “nguồn kinh phí và quỹ khác”, “chênh lệch tỷ giá”.

b) Nợ phải trả ghi trên bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN được xác định không bao gồm các chỉ tiêu: “Quỹ khen thưởng, phúc lợi”, “Quỹ bình ổn giá”, “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ”.

2. Hình thức huy động vốn: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

3. EVN không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.

4. EVN được quyền chủ động huy động vốn nhàn rỗi của các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ. Trường hợp EVN huy động vốn từ các công ty có vốn góp dưới 100% vốn điều lệ thì phải có sự thỏa thuận của các công ty này.

Khi huy động vốn, hai bên phải thỏa thuận mức lãi suất huy động phù hợp với quy định của pháp luật nhưng không cao hơn lãi suất thị trường tại thời điểm huy động theo quy chế huy động vốn do EVN ban hành.

5. EVN chỉ thực hiện bảo lãnh cho các công ty con vay vốn tại các tổ chức tín dụng trong nước với điều kiện công ty con được bảo lãnh phải có tình hình tài chính lành mạnh, không có các khoản nợ quá hạn; việc bảo lãnh vay vốn để thực hiện dự án đầu tư phải trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án đầu tư và phải có cam kết trả nợ đúng hạn đối với khoản vay được bảo lãnh.

Tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn tại một công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ không vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu của công ty con theo báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm gần nhất tại thời điểm bảo lãnh.

Trường hợp các công ty con của EVN có nhu cầu bảo lãnh thì EVN được bảo lãnh theo nguyên tắc: Tỷ lệ (%) bảo lãnh của từng khoản vay không vượt quá tỷ lệ (%) vốn góp của EVN trong doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn và tổng các khoản bảo lãnh vay vốn không được vượt quá số vốn góp thực tế của EVN tại doanh nghiệp được bảo lãnh tại thời điểm bảo lãnh.

Tổng giá trị các khoản EVN bảo lãnh vay vốn cho các công ty con của EVN không vượt quá vốn chủ sở hữu của EVN đồng thời phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu quy định tại khoản 1 Điều này. EVN có trách nhiệm giám sát các công ty con sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.

6. EVN được huy động các nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để đầu tư các dự án điện, các dự án cải tạo tiếp nhận lưới điện trung hạ áp nông thôn và lưới điện của các tổ chức khác bàn giao.

7. EVN được hỗ trợ, thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước chi phí đầu tư dự án, công trình điện phục vụ an sinh xã hội, an ninh quốc phòng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

8. Trường hợp vốn chủ sở hữu được xác định trên báo cáo tài chính năm tại công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ lớn hơn mức vốn điều lệ được phê duyệt do hình thành từ nguồn lợi nhuận sau thuế mà các công ty con không có nhu cầu điều chỉnh tăng vốn điều lệ thì EVN thực hiện điều chuyển khoản chênh lệch theo quy định hiện hành của pháp luật.

Đối với các trường hợp vốn chủ sở hữu của Công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ lớn hơn mức vốn điều lệ được phê duyệt không phải hình thành từ nguồn lợi nhuận sau thuế mà các công ty con không có nhu cầu điều chỉnh tăng vốn điều lệ thì EVN điều chuyển phần chênh lệch về EVN theo hình thức tăng giảm vốn chủ sở hữu giữa EVN và các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ.

9. Thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn:

a) EVN được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo hệ số nợ phải trả (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với các công ty con của EVN) trên vốn chủ sở hữu của EVN không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu của EVN được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn. Trong đó:

Hội đồng thành viên quyết định phương án huy động vốn không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên Báo cáo tài chính quý hoặc Báo cáo tài chính năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công.

Hội đồng thành viên phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định phương án huy động vốn theo quy chế phân cấp nội bộ của EVN và phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN.

b) Trường hợp EVN có tổng nhu cầu huy động vốn vượt quy định tại điểm a khoản này, huy động vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Hội đồng thành viên báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có hiệu quả. Trường hợp vượt thẩm quyền, cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

10. Trường hợp những hợp đồng tín dụng do EVN vay để đầu tư các công trình điện sau đó được chuyển giao sang các Công ty con, Công ty liên kết của EVN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công Thương thì EVN phải thỏa thuận với các tổ chức cho vay hoặc Bên bảo lãnh cho vay để chuyển đổi chủ thể hợp đồng vay sang các Công ty tiếp nhận các công trình điện từ EVN.

Trường hợp không được các tổ chức cho vay hoặc Bên bảo lãnh cho vay đồng ý chuyển đổi chủ thể vay thì EVN thực hiện ký hợp đồng cam kết với các Công ty tiếp nhận công trình điện theo quy định của pháp luật với các nội dung cơ bản sau:

a) Các công ty tiếp nhận công trình điện do EVN chuyển giao có trách nhiệm quản lý, hạch toán tăng tài sản cố định, thực hiện trích khấu hao theo quy định.

b) Định kỳ các công ty tiếp nhận công trình điện phải thực hiện chuyển cho EVN số tiền tương ứng với số nợ (bao gồm cả gốc và lãi) mà EVN phải trả cho chủ nợ và khoản chi phí mà EVN phải bỏ ra để phục vụ cho việc vay và trả nợ vay đối với công trình điện EVN chuyển giao cho công ty quản lý.

11. EVN được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thỏa thuận vay. Điều kiện, trình tự, thủ tục xem xét chấp thuận các khoản vay nước ngoài của EVN thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của EVN không được Chính phủ bảo lãnh. Khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp phải nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không vượt quá mức dự án nhóm B và phải được đăng ký và xác nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định hiện hành.

Trên đây là quy định về Quyền huy động vốn của EVN. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 10/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào