Phong tục kéo vợ của người Mông có vi phạm pháp luật không?
Câu 1 và 2: Tục kéo vợ là một tục lệ có từ rất lâu đời của người dân tộc Mông. Những đôi trai gái đến tuổi trưởng thành phải lòng nhau(yêu nhau). Họ hẹn hò ở trên rừng, trên đường, hay phiên chợ rồi đến chiều,chàng trai nhờ một vài người bạn lên điểm hẹn kéo cô gái về nhà mình, việc kéo vợ diễn ra văn minh, khéo léo mà không mang tính cưỡng ép, giằng co và gây tổn hại đến cô gái.
Tuy nhiên thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin mạng xã hội xuất hiện một số video, clip kéo vợ. Theo đó, một số thanh niên mặc dù không có tình cảm với cô gái nhưng có hành vi lôi kéo, bắt ép lên xe máy, ô tô... mà không cần biết là cô gái đó có tình cảm với mình hay không hoặc đã đến tuổi trưởng thành hay chưa. Hành vi đó không những gây phản cảm trong xã hội mà còn có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, cụ thể như sau:
Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam,giữ người do luật định".
Theo Bộ luật tố tụng hình sự 2003 hiện hành quy định một số trường hợp được phép bắt người là:Bắt người phạm tội quả tang; Bắt người trong trường hợp khẩn cấp; Bắt bị can,bị cáo để tạm giam; Bắt người đang bị lệnh truy nã và bắt người để thi hành án hình sự. Pháp luật cũng quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong các trường hợp bắt người nêu trên.
Ngoài các trường hợp nêu trên, thì việc bắt, giữ, giam người đều là trái pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
Điều 123 Bộ Luật hình sự 1999 (Điều 157 Bộ Luật hình sự 2015): Tội bắt,giữ hoặc giam người trái pháp luật
“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật hình sự thì chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũlực khống chế người khác, ngăn cản việc thực hiện quyền tự do đi lại, tự do cư trú của người khác là hành vi này có thể xử lý hình sự. Pháp luật không quy định giữ hoặc giam trong thời gian bao lâu mới cấu thành tội phạm. Theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật hình sự 1999 thì chỉ cần bắt người, giữ người hoặc giam người trái pháp luật là người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.
Cần phân biệt chủ thể của tội này với chủ thể của tội “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật” quy định tại Điều 303 Bộ Luật hình sự 1999 (Điều 377 Bộ Luật hình sự 2015), chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt đây là những người có chức vụ và quyền hạn trong các cơ quan tiến hành tố tụng nhưCơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.Vì vậy hành vi “ Kéo vợ” lôi kéo, bắt giữ, ép lên xe máy, ô tô...không cấu thành “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật quy định tại Điều 303 Bộ Luật hình sự 1999 (Điều 377 Bộ Luật hình sự 2015)”.
Câu 3: Việc kết hôn do nam nữ tự nguyện quyết định, được pháp luật bảo vệ và tuân theo các quy định của pháp luật. Đối với trường hợp cưỡng ép hôn nhân thì tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hành vi cưỡng ép kết hôn chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó,người có hành vi cưỡng ép người khác kết hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã và trưởng công an xã ra quyết định xử phạt.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Điều 146 Bộ luật hình sự năm năm 2009 (Điều 181 BLHS 2015)quy định hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ đến mức bị coi là tội phạm là trường hợp: “…cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ,ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm…”. Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Câu 4: Về thẩm quyền giải quyết đối với các hành vi kéo vợ mà có dấu hiệu tội phạm liên quan an toàn trật tự xã hội do công an địa phương nơi xảy ra sự việc xử lý (Khởi tố, điều tra).Tòa án nhân dân chỉ xét xử người có hành vi nêu trên nếu người đó bị cơ quan Công an khởi tố và Viện kiểm sát nhân dân truy tố./.
Thư Viện Pháp Luật