Chỉ chứng thực bản sao từ bản chính

Ông Nguyễn Văn Huân (TP. Hà Nội) mất Bằng tốt nghiệp THPT kỳ thi 2003-2004, đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp 1 bản sao từ sổ gốc có đầy đủ dấu và chữ ký. Sau đó ông Huân đến UBND xã và Phòng Tư pháp huyện chứng thực thêm bản sao thì được trả lời, chỉ chứng thực bản sao từ bản chính. Ông Huân hỏi, Sở Giáo dục và Đào tạo hay UBND xã, Phòng Tư pháp thực hiện sai quy định?

Bản chính văn bằng được cấp một lần

Theo quy định tại Khoản 2,  Điều 2; Điều 30;  Điều 32 và  Điều 33 Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (ban hành kèm theo Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015 của Bộ Giáo dục và đào tạo) thì, bản chính văn bằng, chứng chỉ được cấp một lần (không cấp lại bản chính).

Khi có yêu cầu của người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ; hoặc người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ; hoặc cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ trong trường hợp người đó đã chết thì, cơ quan, cơ sở giáo dục đang quản lý sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ có thẩm quyền và trách nhiệm cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc. Việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc được thực hiện đồng thời với việc cấp bản chính hoặc sau thời điểm cấp bản chính. Các nội dung ghi trong bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc phải chính xác so với sổ gốc.

Theo đó, trường hợp ông Nguyễn Văn Huân mất bản chính bằng tốt nghiệp THPT không được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp lại bản chính, mà chỉ được cấp bản sao từ sổ gốc là đúng quy định.

Chỉ chứng thực bản sao từ bản chính

Theo quy định tại Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì, giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao là từ bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

Người yêu cầu chứng thực bản sao phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao; 

Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao đúng với bản chính.

Người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sao cần chứng thực;

Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, đối chiếu với bản sao, nếu nội dung bản sao đúng với bản chính giấy tờ, văn bản thì thực hiện chứng thực.

Việc người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã và Phòng tư pháp từ chối chứng thực bản sao không phải từ bản chính văn bằng, chứng chỉ là đúng quy định.

Để đáp ứng yêu cầu giao dịch, ông Nguyễn Văn Huân có thể yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo cấp thêm bản sao Bằng tốt nghiệp PTTH từ sổ gốc do Sở đang quản lý.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chứng thực bản sao

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào