Bị gây khó dễ khi xin thôi việc người lao động phải làm sao?
Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt khi chấm dứt hợp đồng lao động thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Do đó, bạn có trách nhiệm phải bàn giao cho người sử dụng lao động những gì liên quan đến nhiệm vụ, công việc của mình. Còn việc công ty yêu cầu bạn phải hoàn thiện những việc không liên quan đến nhiệm vụ của bạn là không phù hợp với quy định.
Đối với việc giữ bằng đại học gốc thì theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2012 việc công ty giữ bằng đại học gốc của bạn là trái quy định pháp luật do việc giữ văn bằng chứng chỉ của người lao động thuộc một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động. Bạn được quyền yêu cầu công ty phải giao trả bản chính bằng tốt ngiệp đã nộp.
Điều 96 Bộ luật lao động 2012 quy định về nguyên tắc trả lương như sau: Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Do vậy, việc công ty giữ 3 tháng tiền lương của bạn là trái quy định. Để đảm bảo quyền lợi của mình bạn có thể gửi đơn đến Phòng LĐTB&XH hoặc LĐLĐ cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở đề nghị can thiệp để được giải quyết. Trường hợp công ty vẫn không trả lương, bạn có thể khởi kiện công ty ra tòa.