Có được nhận thầu công trình xây dựng do công ty gia đình làm chủ đầu tư không?

Chào anh Bảo - PGĐ Sở Xây dựng. Cho em hỏi mối quan hệ gia đình giữa nhà thầu tư vấn thiết kế hoặc giám sát đối với nhà thầu thi công được qui định thế nào trong đầu tư xây dựng. Ví dụ Công ty của Bố hoặc chú ruột, cậu, cháu là nhà thầu thiết kế, giám sát thì công ty của Con hoặc cháu, chú ruột có được nhận thầu thi công công trình đó không? Nếu qui định không cho phép thì được qui định ở văn bản nào Kính chuyển nhờ anh trả lời giúp. Chúc anh sức khỏe./. Lê Đức Thuận

Bạn Lê Đức Thuận thân mến, vấn đề bạn nêu liên quan đến quy định đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu theo Luật đấu thầu. 

Để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, Luật Đấu thầu 2013 điều chỉnh và kiểm soát đối với các hành vi và mối quan hệ giữa nhiều bên liên quan, ngăn chặn và loại trừ đối với các hành vi, các quan hệ có thể gây tác động xấu, làm mất đi mục đích và ý nghĩa hay làm triệt tiêu tác dụng, hiệu quả của cuộc đấu thầu.

Như vậy, để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, Điều 6, Luật đấu thầu 2013 quy định các bên liên quan đến hoạt động đấu thầu phải có sự độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính, theo đó:

      - Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển.

      - Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

              a) Chủ đầu tư, bên mời thầu;

              b) Các nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó;

              c) Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.

     - Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó.

     - Trường hợp đấu thầu dự án, Nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

             a) Nhà thầu tư vấn đấu thầu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án;

             b) Nhà thầu tư vấn thẩm định dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án;

             c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu.

            Theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Điều 2 quy định như sau :

Nhà thầu tham dự quan tâm, tham dự sơ tuyển phải đáp ứng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 của Luật đấu thầu.
Nhà thầu tham dự thầu gói thầu hỗn hợp phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công cho gói thầu đó, trừ trường hợp các nội dung công việc này là một phần của gói thầu hỗn hợp.
Nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát.
Nhà thầu được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu khác; với nhà thầu tư vấn; với chủ đầu tư, bên mời thầu quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 6 của Luật đấu thầu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

             a) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp;

             b) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau;

             c) Nhà thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;

             d) Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.

        Trường hợp ví dụ bạn nêu, thực tế một gia đình có nhiều công ty (công ty của vợ, công ty của chồng, công ty của con,...), về quan hệ gia đình chúng ta thấy có mối quan hệ lẫn nhau, tuy nhiên về mặt pháp lý phải căn cứ vào tính độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính để xem xét theo quy định của pháp luật về đấu thầu họ có vi phạm hay không.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đầu tư

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào